Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm
Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế cho biết, theo thông báo từ Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm 2023 đến nay, dịch COVID-19 vẫn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế; các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác tiếp tục được ghi nhận như: bệnh bại liệt (chủng hoang dại) tại khu vực châu Phi và Địa Trung Hải, Đậu mùa khỉ tại châu Mỹ và châu Âu.

Đặc biệt, trong tháng 2/2023 dịch bệnh Marburg đã bùng phát tại Guinea xích đạo khiến 9 trường hợp tử vong. Ngoài ra, đã ghi nhận trường hợp mắc/tử vong do cúm A/H5N1 trên người tại Campuchia.

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố cập nhật thường xuyên các thông tin về các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống, truyền thông tại cửa khẩu.

Thực hiện nghiêm, đầy đủ, đúng quy trình các hoạt động kiểm dịch y tế được quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Niêm yết, công khai mức thu, giá kiểm dịch y tế theo đúng quy định tại Thông tư số 240/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập và Thông tư số 51/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2021/TT-BYT ngày 09/11/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu.

Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại từng cửa khẩu, lưu ý cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm việc thông tin báo cáo về kiểm dịch y tế theo quy định tại Thông tư số 28/2019/TT-BYT ngày 28/10/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thông tin báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế (website: https://baocaokdyt.com/). Lưu ý cập nhật thông tin về các cửa khẩu của địa phương mới được nâng cấp, bổ sung.

Trước đó, ngày 1/3, Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đồng thời, phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tinh hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.

Hải Minh