Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu các cục QLTT chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý theo dõi địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị y tế, vật tư y tế… dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Ngoài ra, chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu khan hiếm đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas…, báo cáo UBND, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Về xử lý tang vật tịch thu là khẩu trang y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, thực hiện theo công văn số 3913 của Bộ Tài chính và công văn số 162 của Tổng cục QLTT về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch nCov.
Tâm An