Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Hà Lan, từ ngày 11-13/12, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Kees van Baar nhấn mạnh, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023, và trong thời kỳ hoàng kim của quan hệ thương mại giữa hai bên đã được vun đắp từ 400 năm trước.
Chỉ mới tuần trước, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, đã dẫn đầu đoàn công tác tới Việt Nam 3 ngày, dự lễ khai mạc "Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh" cùng với Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn là minh chứng cho bước khởi đầu thành công của việc hợp tác trong tương lai giữa Hà Lan và Việt Nam ở các lĩnh vực, như năng lượng, công nghệ cao, phát triển bền vững và đổi mới.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hà Lan là sự khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển đúng hướng. Chuyến thăm vừa nhằm xây dựng và củng cố thành công của "Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh", hướng đến cùng nhau xây dựng mối quan hệ bền vững, vừa tạo cơ hội thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh giữa hai nước và thu hút đầu tư.
Trọng tâm hợp tác Hà Lan-Việt Nam: Thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn
Theo ông Kees van Baar, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hà Lan chưa bao giờ sâu sắc hơn thế. Thương mại giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Hiện tại, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư lớn nhất trong số các thành viên EU tại Việt Nam. 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu thông qua cảng Rotterdam của Hà Lan.
Theo thời gian, mối quan hệ gắn bó giữa các cảng biển tại các thành phố giữa hai quốc gia đã hình thành. Mối quan hệ này được củng cố thông qua chuyến thăm của Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb tới Việt Nam vào tháng 7 vừa qua.
Với điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế và vị trí then chốt tại Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế về phát triển dịch vụ hậu cần và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, với vai trò là trung tâm sản xuất, cùng với thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh..., Việt Nam sẽ thu hút được sự đầu tư nhiều hơn của các doanh nghiệp Hà Lan với mong muốn mang kiến thức, chuyên môn, công nghệ và việc làm mới đến Việt Nam.
Hà Lan mong muốn được tạo điều kiện tối đa để khai thác tiềm năng song phương giữa hai bên. Nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh tế bền vững, đồng thời tăng cường kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước, phía Hà Lan đã triển khai chương trình "Ready to Export" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam và Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện.
Liên quan tới các lĩnh vực hợp tác chính và ưu tiên giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Hà Lan cho rằng, điều quan trọng là phải làm nổi bật vai trò thiết yếu của khu vực tư nhân trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai quốc gia. Sự đóng góp của khu vực tư nhân sẽ mở đường cho mối quan hệ song phương bền chặt hơn theo thời gian.
Thêm vào đó, hai nước sẽ tăng cường hợp tác theo cam kết mà hai Chính phủ đề ra với mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Hiện tại, hợp tác giữa các công ty Hà Lan và các đối tác Việt Nam nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh đang phát triển mạnh mẽ.
Các công ty Hà Lan đang phát triển các chuỗi cung ứng xanh tại một số địa phương Việt Nam, chẳng hạn như tại ĐBSCL, cùng với đó hỗ trợ việc sử dụng năng lượng tái tạo và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương
Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết, Đại sứ Hà Lan nhận định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong những thập kỷ qua khi giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và mang lại khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục tốt hơn cho rất nhiều người.
Đây là một bước phát triển quan trọng và thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đối với các quyền xã hội, kinh tế và văn hóa. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng đã đạt được thành quả đáng ghi nhận về mặt quyền dân sự và chính trị.
Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Phía Hà Lan hy vọng cũng sẽ được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024–2026.
Khi đó, hai nước sẽ cùng là thành viên trong Hội đồng Nhân quyền trong hai năm. Đó là cơ hội tốt để hai bên trao đổi kinh nghiệm, so sánh cách tiếp cận đối với nhân quyền, tham gia vào những cuộc đối thoại và học hỏi lẫn nhau.
Chinhphu.vn