Cách đây 02 năm, cơ quan chức năng lấy mẫu gần 300 bao phân bón (50kg/bao) được bán cho một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Đông và Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An để kiểm tra. Trên cơ sở kết quả phân tích xác định, toàn bộ các bao phân bón là giả. Vụ việc này sau đó được cơ quan chuyên môn thụ lý để điều tra nguồn gốc, xuất xứ, quá trình tiêu thụ.

Cũng từ những vụ việc như thế, mỗi khi vào vụ mùa mới với nhiều kỳ vọng thì nông dân cũng không tránh khỏi lo lắng. Ngoài lo đầu ra nông sản gặp khó khăn, giá bán thấp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao,... nông dân còn lo mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dỏm, kém chất lượng.

Thực tế, nông dân gặp lúng túng trước một “ma trận” danh mục vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc BVTV. “Mấy chục năm làm nông nên tôi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Tuy nhiên, với phân bón, thuốc BVTV thì cũng khó phân biệt được thật hay giả, chất lượng thế nào” - ông Lê Văn Lâm (ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) nói.

Ông Võ Thiện Nghĩa, một nông dân ở phường Mỹ Phước, thành Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, người nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá cao, nhưng chất lượng lại không đúng như quảng cáo, giới thiệu trên bao bì. Chỉ khi mang phân bón về bón, không thấy cây trồng  phát triển, không có trái… lúc này chỉ biết kêu trời, “tiền mất tật mang”, cây trồng không được bổ sung dinh dưỡng đúng vụ mùa, nếu muốn bón lại phải tăng thêm chi phí. 

'Nóng' tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả
'Nóng' tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả.

Ông Võ Thiện Nghĩa cho biết thêm: “Về giá cả phân bón hiện nay tăng cao, trong khi đó thì cái phân lạnh, phân DAP đều sản xuất tại Việt Nam, nguyên liệu của Việt Nam…mà tại sao giá cả lại tăng gấp đôi. Thư hai, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì chưa được như in trên bao bì. Đề nghị các ngành hữu quan của tỉnh, của Trung ương tăng cường kiểm tra chất lượng”.

Theo lực lượng chức năng tỉnh An Giang, trên thực tế thời gian qua, tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp của địa phương, xuất hiện tình trạng của hàng, cơ sở sản xuất, bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái thương hiệu thường lợi dụng quy định của pháp luật để sản xuất phân bón kém chất lượng. Thậm chí, trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, nhãn hàng hoá có thông tin không đúng bản chất, sự thật, hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, 18 cơ sở sản xuất phân bón và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhãn hiệu và sản phẩm lên đến hàng nghìn loại, rất đa dạng, phức tạp. Lợi dụng hiểu biết hạn chế, tâm lý ham mua hàng giá rẻ của một số nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn nhằm buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân.

Thời gian qua, tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, xuất hiện tình trạng các đối tượng sản xuất phân bón, thuốc BVTV giả, nhái thương hiệu thường lợi dụng quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng. Thậm chí, trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, nhãn hàng hóa có thông tin không đúng bản chất, sự thật hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Những tháng cuối năm 2021, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, các tổ liên ngành đã tăng cường tuần tra kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động thẩm lậu các loại hàng hóa qua biên giới.

CBCS làm nhiệm vụ còn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Qua đó, thường xuyên, kịp thời phát hiện những vi phạm, sai phạm của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện 23 vụ với 16 đối tượng có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng.

 Như Ngọc