Người cao tuổi tại Hà Nội chờ nhận lương hưu, trợ cấp. Ảnh: Thu Hiền.
Người cao tuổi tại Hà Nội chờ nhận lương hưu, trợ cấp. Ảnh: Thu Hiền.

Thống kê cho thấy, hiện nay, khoảng 8 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đặt mục tiêu bao phủ toàn bộ nhóm đối tượng này, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đã thể chế hóa 25 nội dung quan trọng trong Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Những thay đổi này giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 5 nhóm mới, bổ sung chế độ thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện và tạo điều kiện để nhiều người lao động có cơ hội nghỉ hưu đúng tuổi, ngay cả khi tham gia bảo hiểm xã hội muộn.

Một trong những điểm nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người cao tuổi gồm: Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, một số nhóm đối tượng đặc biệt có thể hưởng từ 70 tuổi; Tăng mức trợ cấp lên 500.000 đồng/người/tháng từ 1/7/2025; Cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Dự kiến, khoảng 1,2 triệu người từ 75 tuổi trở lên sẽ được hưởng chính sách này ngay khi luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, nhóm người từ 60 đến dưới 75 tuổi, không có lương hưu nhưng từng tham gia bảo hiểm xã hội, cũng sẽ được nhận trợ cấp tùy theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội.

Để được hưởng chế độ này, người lao động cần đáp ứng điều kiện không nhận bảo hiểm xã hội một lần, không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu hưởng trợ cấp hằng tháng.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 không chỉ mở rộng diện bao phủ mà còn đảm bảo an sinh xã hội bền vững, giúp hàng triệu người cao tuổi có cuộc sống ổn định hơn trong tương lai.

Thiên Trường (t/h)