Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, giảm nghèo luôn là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm và luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà học bổng tới trẻ em nghèo vượt khó của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà TĩnhBộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao học bổng tới trẻ em nghèo vượt khó của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

Hiện nay, phong trào chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2016-2020, cả nước đã đạt được kết quả nổi bật, cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 2%/năm; giai đoạn 2016-2020, đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 còn 3,75% vào cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo.

Việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều đã tác động tích cực, toàn diện đối với người nghèo: Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 2,3 lần; hàng triệu con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, học bổng…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, biểu dương trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có nhiều phấn đấu, đạt được thành tích đáng khen ngợi trong lĩnh vực giảm nghèo, thực hiện các chính sách dân tộc và xây dựng nông thôn mới.

Cả 3 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đề ra trong thời gian qua, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước giai đoạn 2016-2020 (1,47%/năm); nhiều xã, huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,51% năm 2015 xuống còn khoảng 2,3% năm 2020, bình quân giảm 2,8%/năm. Nghệ An: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,1% năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% năm 2020, bình quân giảm 2,2%/năm. Tỉnh Hà Tĩnh: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% năm 2015 xuống còn 3,5% năm 2020, bình quân giảm 1,97%/năm...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác giảm nghèo còn những hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là đồng bào DTTS và khu vực miền núi…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiệm vụ triển khai thời gian tới, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy hoạch về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Qua đó rà soát, ban hành đồng bộ các chính sách về khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi khi tham gia học nghề, khởi nghiệp, tìm kiếm tạo việc làm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư, thực hiện chính sách hỗ trợ. Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm: "Cần quan tâm đầu tư hạ tầng "cứng": Giao thông, điện…Nhưng quan trọng hơn là đầu tư hạ tầng "mềm", chính là dân sinh, dân trí và dân khí. Bên cạnh đó cần quan tâm nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Quy hoạch lại dân cư, xây dựng triển khai bản đồ chi tiết cảnh báo tai nạn, rủi ro, sạt lở đất, bão lũ... để di dân; tập trung phát triển bao trùm và bền vững".

Ở đó bao gồm 3 vấn đề là kỹ năng lao động, việc làm, quan tâm an sinh bền vững, trên cơ sở của 2 trụ cột đó là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Minh Đức