Ảnh minh họaTheo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế đã ghi nhận tăng trưởng nhanh trở lại 

Cụ thể, sau khi tăng chậm trong quý I/2020, tín dụng đã dần tăng trở lại trong quý II/2020 và khởi sắc từ tháng 7/2020. Tính đến hết tháng 8/2020, tín dụng toàn hệ thống mới 4,75% thì đến 30/9/2020 đã tăng 6,09% so với cuối năm 2019.

Với mức tăng trưởng này, ước tính khoảng 499 nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng bơm thêm ra nền kinh tế 9 tháng đầu năm, đưa tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của hệ thống lên gần 8,7 triệu tỷ đồng.

Mặc dù phục hồi khá trở lại, song so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 9,4%), tín dụng vẫn còn tăng chậm.

Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế, 9 tháng đầu năm nay, dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.

Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên: tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với DNNVV tăng khoảng 5,5%.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa giảm thêm lãi suất điều hành. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5%-2%/năm, giảm 0,6%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi cá kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay chỉ còn 4,5%/năm) để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với chi phí phù hợp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch. 

Trang Nguyễn