Nhiều ngân hàng đang tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Trung tuần tháng 7/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 5321/NHNN-TTGSNH về việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên và mới đây là Chỉ thị 04 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt là ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra những ngân hàng có tỷ trọng cho vay lớn đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng, cho vay dự án BOT, BT...
Đồng thời, sẽ khuyến khích các ngân hàng tập trung cho vay các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ..., cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp...
Đây chính là một trong những lý do mà các ngân hàng kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng trong những tháng còn lại của năm.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2018, room tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông đã cạn, nhưng không vì thế mà ngân hàng sẽ “đóng cửa" cho vay, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, khi nhu cầu vốn của khách hàng thường tăng mạnh.
"Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ chuyển hướng sang cho vay nhỏ, lẻ để có NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) cao hơn, đồng thời tập trung cho vay vùng nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ được xem xét nới thêm room tín dụng để có thêm dư địa cho vay ở các lĩnh vực này", vị lãnh đạo trên nói và cho biết thêm, ngân hàng ông đang đẩy mạnh cho vay mua nông sản ở khu vực Tây Nguyên - là phân khúc khách hàng tiềm năng, ít rủi ro.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB - một trong những ngân hàng gần cạn room tăng trưởng tín dụng - cũng cho hay, OCB đang tập trung tài trợ vốn cho nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn.
Theo cơ chế trước đây, sau 2 quý đầu năm, nếu cạn room tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ làm đơn xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ nhằm đáp ứng cầu vốn cuối năm.
Bởi vậy, Chỉ thị 04 đang khiến nhiều ngân hàng “đau đầu” trong việc tìm đầu ra để cho vay khi hiện room tăng trưởng đã gần đạt, thậm chí vượt so với mức trần được cấp hồi đầu năm là 14-15% như VietinBank (9,7%), MB (11,2%), Vietcombank (11,52%), LienVietPostBank (14%), HDBank (16,18%)…
Tại TPBank, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2018 đạt 14,5%, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2017 và sát với mức trần đã được Ngân hàng Nhà nước cấp trước đó là 15%. Lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng sẽ được phê duyệt nâng trần tín dụng lên 25%.
Về HDBank, theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), là một trong những "trường hợp đặc biệt", nếu việc sáp nhập PGBank được hoàn tất trước quý IV/2018, nhiều khả năng HDBank sẽ được nâng room tín dụng lên 30-40%.
Với đa phần ngân hàng còn lại, HSC cho rằng, tín dụng sẽ khó tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nếu Ngân hàng Nhà nước không nới trần tăng trưởng tín dụng. Do đó, các ngân hàng cần phải có sự chuẩn bị trong trường hợp không được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Theo giới phân tích tài chính, để đảm bảo doanh thu trong quý cuối năm nay cũng như thời gian tới, các ngân hàng cần tìm kiếm thêm các nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, kinh doanh chứng khoán,... để đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra nhận định, với con số tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay là 6,3%, trong khi kế hoạch tăng trưởng cả năm là 17-18%, dư địa cho tín dụng tăng trưởng trong nửa cuối năm là lớn, nhưng không nên phân bổ đều mức tăng trưởng cao cho mọi ngân hàng.
Theo vị chuyên gia này, với những ngân hàng quy mô lớn, chỉ cần tín dụng tăng trưởng 1% cũng đã bằng nhiều ngân hàng nhỏ gộp lại, do đó không nhất thiết phải giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao cho các ngân hàng này, mà nên tập trung vào các ngân hàng vừa và nhỏ kiểm soát tốt rủi ro, có tiềm năng phát triển nhưng đang bị hạn chế bởi room tín dụng.
"Với một số ngân hàng đã sử dụng cạn room, Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc dựa trên năng lực và quản trị rủi ro của từng ngân hàng để cấp thêm hạn mức", vị chuyên gia này nói.
Theo TNCK