Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phối hợp sửa đổi chính sách đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, đảm bảo đúng pháp luật và hài hòa lợi ích lâu dài giữa doanh nghiệp, người nông dân, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các luật chuyên ngành, các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 04 quy hoạch ngành quốc gia và lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý ngành. Trình Chính Chính phủ ban hành 08 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 20 Thông tư.
Bộ sẽ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021. Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021; Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020), Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kinh tế số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, chuỗi giá trị ngành hàng; dữ liệu số tạo giá trị và động lực mới cho tăng trưởng; chuyển đổi số đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành; tập trung triển khai cơ chế một cửa quốc gia, đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường công tác thông tin, thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác phục vụ chỉ đạo, điều hành...
Minh Anh