Cụ thể, doanh thu quý II/2018 của ASM đạt 2.072 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm 76% doanh thu 6 tháng đầu năm; lợi nhuận gộp tăng mạnh, đạt 367 tỷ đồng; doanh thu tài chính là 187,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2 tỷ đồng; lợi nhuận khác mang về hơn 47 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt gần 1 tỷ đồng).

Nhờ đó, dù các loại chi phí của ASM đều tăng cao, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 370 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ.

ASM cho biết, doanh thu quý II năm nay tăng mạnh chủ yếu là do hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI), còn lợi nhuận khác tăng do thanh lý tài sản của công ty thành viên là Du lịch An Giang.

Một số chỉ tiêu tài chính khác của ASM tăng mạnh như tổng nguồn vốn tăng từ 5.610 tỷ đồng đầu năm lên 11.022 tỷ đồng vào cuối quý II/2018.

Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng từ 2.841 tỷ đồng lên 5.606 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính của Công ty trong 6 tháng đầu năm tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, lên 4.270 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của ASM cũng tăng vọt từ 1.868 tỷ đồng lên 3.112 tỷ đồng và xuất hiện thêm khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giá trị gần 54 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của ASM là 864 tỷ đồng, gấp 18,6 lần cùng kỳ năm 2017 (46,4 tỷ đồng), chủ yếu nhờ doanh thu tăng cao và đóng góp của doanh thu tài chính 527,3 tỷ đồng. Tuy vậy, về nguyên tắc kế toán, báo cáo tài chính của ASM đang có vấn đề tại khoản mục doanh thu tài chính này.

Theo thuyết minh của ASM, đóng góp lớn nhất trong doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm 2018 là “Lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con - Công ty IDI”, mức lãi là 391,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quý I/2018, ASM đã tiến hành đánh giá lại khoản đầu tư vào IDI và phần lãi do đánh giá lại giá trị khoản đầu tư được chú thích trong báo cáo tài chính quý I là 257 tỷ đồng.

Phải chăng, trong quý II, ASM tiếp tục đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào IDI và giá trị này tăng thêm 134 tỷ đồng?

Được biết, trong quý I, ASM đã tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu tại IDI từ 39,29% lên 51,14%. Trong khi đó, quý II/2018, ASM không mua thêm cổ phần IDI.

Theo nguyên tắc kế toán, khoản đầu tư chỉ được ghi nhận chênh lệch do đánh giá lại khoản vốn đầu tư trước đây vào công ty con nếu có sự thay đổi kiểm soát.

Trong trường hợp này, ASM đã đạt được quyền kiểm soát IDI trong quý I và không thay đổi trong quý II thì không được đánh giá lại nữa, kể cả khi ASM thực hiện mua thêm cũng không được đánh giá lại bởi Công ty đã nắm quyền kiểm soát. Việc đánh giá lại chỉ được thực hiện khi đang từ vị thế kiểm soát sang không còn kiểm soát và ngược lại.

Như vậy, việc đánh giá lại khoản đầu tư vào IDI của ASM, theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm là đang sai nguyên tắc nếu nhìn vào báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo tài chính bán niên 2018 của ASM chưa được kiểm toán viên soát xét nên có thể không chính xác.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2018, ASM đã tiến hành tăng tỷ lệ kiểm soát tại Công ty cổ phần Nhựt Hồng từ 18,87% lên 60%.

Tập đoàn Sao Mai: Dấu hỏi về lợi nhuận sau thuế tăng đột biến? - Hình 1

Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, liệu có phải ASM đánh giá lại giá trị đầu tư vào Nhựt Hồng nhưng ghi nhầm là IDI trong quý II

Một khả năng có thể xảy ra là “sai sót” trong nghiệp vụ kế toán của ASM, thực hiện đánh giá lại giá trị đầu tư vào Nhựt Hồng nhưng lại ghi nhầm là IDI trong quý II?

Do thuyết minh của ASM trong báo cáo tài chính quý II/2018 là thuyết minh chung cho 6 tháng đầu năm, nên những hạch toán riêng trong quý II không được thể hiện rõ trên báo cáo tài chính, khiến khoản lợi nhuận bất thường mà Công ty ghi nhận trở nên mơ hồ.

Chúng tôi sẽ liên hệ với ASM để tìm hiểu về vấn đề này và thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.

Hằng Vương T/h