Việt Nam
Ở Việt Nam, vào ngày này trẻ em sẽ được rước đèn và phá cỗ
Tết Trung thu là dịp để mỗi gia đình ở Việt Nam đoàn viên, quây quần bên mâm cơm và kể cho nhau nghe những chuyện đã xảy ra trong năm. Đây cũng là dịp để kết nối những người trong gia đình ngày một gắn bó.
Một đặc trưng không thể thiếu trong đêm trung thu, đấy là đèn lồng, đèn lồng của người Việt thường được làm bằng giấy màu trong suốt, tạo hình con vật và được thắp sáng bên trong.
Bánh trung thu là một món ăn không thể thiếu của người Việt trong dịp lễ này. Trẻ em ở Việt Nam đều sẽ được rước đèn và phá cỗ trong đêm Trung thu.
Nhật Bản
Ở Nhật, Tết Trung thu là dịp mà những người con xa xứ trở về, cùng nhau liên hoan và làm những món ăn truyền thống
Ở Nhật Bản, Tết Trung thu được gọi là Tsukimi - lễ hội ngắm trăng, được tổ chức vào rằm tháng 8 (15/8 âm lịch). Trong lễ hội Tsukimi, người dân Nhật Bản thường thụ tập cùng gia đình làm bánh Tsukimi Dango xếp theo hình tam giác nhọn.
Trong Tết Trung thu, người Nhật sẽ làm những món bánh truyền thống của mình, sau đó họ những khay bánh ở kế bên hiên nhà. Họ quan niệm rằng nếu có trẻ em đến tự ý ăn bánh nhà mình thì họ sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm.
Trung Quốc
Màn múa rồng được xem là điểm nhấn trong Tết Trung thu ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Tết Trung thu là lễ truyền thống lớn thứ 2 sau Tết Âm lịch. Người Trung Quốc quan niệm, đây là dịp lễ để báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, bày tỏ lòng biết ơn với đất trời cho mùa màng bội thu và để có dịp đoàn tụ, chung vui bên gia đình.
Màn múa rồng được xem là điểm nhấn trong Tết Trung thu ở Trung Quốc. Người Trung Quốc cho rằng, con rồng uy quyền, trí tuệ và sẽ mang may mắn, thịnh vượng đến với con người
Trong ngày Trung thu, người Trung Quốc có phong tục ngắm trăng và tế trăng. Các thiếu nữ cúng trăng chủ yếu mong muốn mình có vẻ đẹp thanh cao thuần khiết như Hằng nga, trắng trong vĩnh cửu tựa mặt trăng.
Hàn Quốc
Ngày lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên Chuseok. Chuseok nghĩa là đêm mùa thu, là đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Trước kia, Chuseok diễn ra vào mùa thu - mùa của sự thu hoạch. Do đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa hội mùa.
Vào ngày này, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.
Đài Loan
Ở Đài Loan thường tổ chức các bữa tiệc nướng ngoài trời như một phần của các cuộc tụ họp gia đình trong Tết Trung thu
Ở Đài Loan, Tết Trung thu là kỳ nghỉ với nhiều hoạt động vui chơi giải trí cùng hàng loạt các bữa tiệc nướng. Vào những năm 80, sau chiến dịch quảng cáo truyền hình của các công ty nước sốt thịt nướng, các bữa tiệc nướng ngoài trời như một phần của các cuộc tụ họp gia đình trong Tết Trung Thu.
Tuy nhiên, chính phủ đã hạn chế các địa điểm nướng thịt vì những lo ngại về môi trường. Cho phép ăn thịt nướng công cộng trong các công viên ven sông nhất định và các khu vực được chỉ định khác.
Malaysia, Philippines
Khi đến Philippines trong dịp này sẽ được chiêm ngưỡng màn diễu hành múa lân, diễu hành với trang phục dân tộc, diễu hành đèn lồng và diễu hành xe hoa
Người Malaysia cũng thường làm bánh trung thu trong ngày rằm tháng 8. Ngoài ra, họ cũng thắp đèn lồng trong ngày này. Trong suốt mùa lễ hội, bánh trung thu được bày bán ở hầu hết các quầy hàng. Trong ngày này, người dân cũng tổ chức múa lân, múa sư tử và các hoạt động vui chơi giải trí được yêu thích khác.
Du khách tới Philippines trong dịp này sẽ được chiêm ngưỡng màn diễu hành múa lân, diễu hành với trang phục dân tộc, diễu hành đèn lồng và diễu hành xe hoa. Ở khu phố tàu, bầu không khí cũng nhộn nhịp khác hẳn mọi khi. Các căn nhà, lối ra vào phố người hoa treo đèn kết hoa khắp nơi, các cửa hàng cũng tranh thủ bày bán bánh trung thu tự làm hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngọc Lan (t/h)