LTS: Những tác động tiêu cực từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang hiện hữu đã mang lại cho xã hội những tác động tiêu cực không nhỏ. Sự việc này không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính. Để rộng đường dư luận, phóng viên (PV) tạp chí Thương hiệu và Công luận đã khảo sát một số điểm tại thành phố Thái Bình để phản ánh về vấn nạn này.

Kỳ 1: Siêu thị Kim Anh bày bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt

Thời gian gần đây, tòa soạn tạp chí Thương hiệu và Công luận thường xuyên nhận được phản ánh của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thái Bình về việc rất nhiều sản phẩm bánh kẹo, bia, rượu ngoại bày bán trong siêu thị Kim Anh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ chữ Việt Nam, sản phẩm không rõ ràng về hạn sử dụng...

Hàng ngoại không rõ nguồn gốc

Nằm tại 221 đường Trần Hưng Đạo, phường  Đề Thám, thành phố Thái Bình, cách Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình chỉ vài trăm mét, siêu thị Kim Anh được đánh giá là trung tâm mua sắm lớn tại thành phố, với nhiều chủng loại hàng hóa bắt mắt, nhập khẩu từ nước ngoài, đang thu hút đông đảo người tiêu dùng tại địa phương và các khu vực lân cận. Mỗi ngày, lượng khách đến mua tại siêu thị tương đối lớn.

Hàng ngày, một lượng lớn khách hàng ra vào mua sắm tấp nập tại siêu thị Kim Anh
Hàng ngày, một lượng lớn khách hàng ra vào mua sắm tấp nập tại siêu thị Kim Anh.

PV tạp chí Thương hiệu và Công luận có mặt tại siêu thị để ghi nhận thực tế. Theo quan sát, siêu thị Kim Anh nằm trên tuyến phố đắc địa bậc nhất của thành phố, bày bán đa dạng các mặt hàng, với nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, đủ nguồn gốc xuất xứ , giá cả sản phẩm phù hợp nhiều đối tượng khách hàng.

Nơi đây bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại, phục vụ nhu cầu khách hàng
Nơi đây bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại, phục vụ nhu cầu khách hàng.

Dạo quanh một vòng trong siêu thị Kim Anh, PV quan sát được, tại khu vực bày bán sản phẩm nước ngọt, thạch rau câu, phát hiện sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài, với phần thông tin sản phẩm thể hiện trên tem nhãn sản phẩm in chữ Trung Quốc và không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Khách hàng chỉ có thể phân biệt đó là sản phẩm nước hoặc thạch vị của sản phẩm thông qua hình ảnh trái cây in trên phần bao bì.

Khách hàng không khó để có thể tìm cho mình một sản phẩm nhập ngoại, tuy nhiên hầu hết các sản phẩm tại đây đều không có dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định
Khách hàng không khó để có thể tìm cho mình một sản phẩm nhập ngoại, tuy nhiên hầu hết các sản phẩm tại đây đều không có dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định

Tương tự, tại khu bày bán bánh kẹo, nhiều sản phẩm bánh qui hộp sắt, kẹo dẻo, snack của những thương hiệu rất nổi tiếng như: Samjin, Yaruna, Kapad, Safuly, Eudora, Orihiro... được trưng bày và bán công khai tại vị trí đẹp nhất của siêu thị. Tất cả những sản phẩm này đều không dán tem nhãn tiếng Việt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Rất khó để nhận biết công dụng của sản phẩm
Rất khó để nhận biết công dụng của sản phẩm

Trao đổi với PV, chị N.V.T  một khách hàng đang lựa chọn hàng hóa tại siêu thị cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên mua hàng tại siêu thị Kim Anh. Tại đây rất nhiều loại hàng hóa cũng như mẫu mã, tôi rất băn khoăn về một số mặt hàng: Bánh, kẹo, rượu... đang được bày bán, có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, không có hướng dẫn sử dụng bằng chữ Việt Nam. Liệu các sản phẩm đó có phải là hàng nhập lậu, hay có đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không nữa?”

Không chỉ chị N.V.T, nhiều người tiêu dùng cũng rất lúng túng với những sản phẩm ngoại nhập bắt mắt, nhưng không hề có bất kỳ một dòng chữ thể hiện tên sản phẩm và những thông tin cần thiết liên quan đến sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Kể cả những mặt hàng thiết yếu, mang thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến cũng nhập ngoại, và đương nhiên không có tem nhãn tiếng Việt
Kể cả những mặt hàng thiết yếu, mang thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến cũng nhập ngoại, tương tự như những sản phẩm khác, đều không có tem nhãn tiếng Việt.

Nói một cách chính xác hơn, nhiều sản phẩm trên đang bày bán trong siêu thị Kim Anh không rõ nguồn gốc xuất xứ vì không thể hiện được thông tin cần thiết thông qua tem nhãn của sản phẩm.

Hàng nội không tìm được nhà sản xuất

Đến khu vực bán hàng đông lạnh, PV quan sát thấy sản phẩm có tên gọi Ngô chiên giòn Minh Châu được đóng trong hộp nhựa thủ công, sơ sài, trên tem nhãn của sản phẩm không ghi địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng không được thể hiện rõ ràng.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm như kẹo Softcandy, kẹo Playmore... phần lớn được in chữ nước ngoài, dòng chữ Việt Nam ghi về thành phần và nơi sản xuất rất nhỏ, màu sắc của chữ tương đồng với màu của bao bì, khách hàng rất khó đọc, dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng sản phẩm kẹo trên do nước ngoài sản xuất.

Qua khu bày bán đồ khô, PV không khỏi ngỡ ngàng khi cầm gói bột ớt in chữ Hàn Quốc được đóng gói sơ sài, phần thông tin sản phẩm, thông tin doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn không được thể hiện trên nhãn mác.

Hàng nội được chia lẻ, đóng gói để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên bao bì không thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm
Hàng nội được chia lẻ, đóng gói để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên bao bì không thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Chỉ cần dạo qua một vòng siêu thị Kim Anh, có thể thấy nhiều hàng  tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ như muốn “bủa vây” người dùng vì những thông tin sản phẩm chưa rõ ràng, minh bạch, trùng khớp với thông tin bạn đọc phản ánh.

Từ những thông tin trên, tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin được gửi tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ những hàng hóa không rõ về nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán công khai tại siêu thị Kim Anh – nơi mà chỉ cách đơn vị quản lý cao nhất của tỉnh về hàng hóa lưu thông trên thị trường chỉ vài trăm mét, nhằm bảo đảm minh bạch thị trường hàng hóa tại đia phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh làm ăn chân chính.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP  quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nhật Hương

(Còn nữa)