Có việc khai man hồ sơ?
Sau khi báo đăng tải về những vi phạm nghiêm trọng của nhà thuốc nam gia truyền Ngọc Bích (Phòng khám Ngọc Bích), Báo Thương hiệu và Công luận đã nhận được nhiều thông tin “tố” bà Nguyễn Thị Bích, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám Ngọc Bích khai man hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền.
Theo thông tin phản ánh: “Bà Nguyễn Thị Bích chủ Nhà thuốc nam gia truyền Ngọc Bích đã khai man hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền để lừa dối người bệnh từ nhiều năm nay nhưng không được xã Sơn Phú, huyện Định Hóa và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên ngăn chặn, xử lý kịp thời để bảo vệ sức khỏe người bệnh, mà lại còn bao che cho bà Bích khai man hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, Chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái quy định pháp luật.
Được biết, năm 1965, gia đình bà Nguyễn Thị Bích chuyển từ Thái Bình lên Sơn Phú, Định Hóa, Thái Nguyên. Bố đẻ của bà Bích là ông Nguyễn Văn Đắc chỉ làm nông nghiệp, không hành nghề y học cổ truyền, không hay biết về thuốc nam và chưa hề chữa bệnh cho bất kỳ ai tại địa phương”.
Đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền khai man của bà Nguyễn Thị Bích được UBND xã Sơn Phú, Hội đông y xã Sơn Phú và Trạm xá xã Sơn Phú xác nhận “khống”
Theo văn bản số 456/SYT-QLHN Sở Y tế Thái Nguyên khẳng định Phòng khám Ngọc Bích được Sở Y tế Thái Nguyên cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 353/SYT-GPHĐ ngày 30/7/2015; phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện điều trị bệnh đau lưng, đau cột sống, đau thần kinh tọai, bằng bài thuốc gia truyền.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bà Nguyễn Thị Bích. Bà Bích được Sở Y tế Thái Nguyên cấp chứng chỉ hành nghề số 004243/TNG-CCHN với phạm vi khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền. Bà Bích được cấp Giấy chứng nhận 03 bài thuốc gia truyền gồm Bổ huyết trừ phong, Bình vị tán Ngọc Bích, Bình can Ngọc Bích.
Như vậy, để được phép hoạt động, Phòng khám Ngọc Bích phải dựa hoàn toàn vào các bài thuốc gia truyền. Trong các “đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” của bà Nguyễn Thị Bích đều nêu rõ:
“Dòng họ nhà tôi đã nhiều đời làm nghề thuốc nam. Bài thuốc này có từ cụ nội tôi là cụ Nguyễn Văn Mạnh sinh năm 1889 tại tỉnh Nam Định. Sau đó, cụ tôi truyền lại nghề làm thuốc cho ông nội tôi là ông Nguyễn Văn Cảm sinh năm 1914. Sau đó, ông nội tôi truyền lại cho bố tôi là Nguyễn Văn Đắc sinh năm 1942.
Do điều kiện chiến tranh, gia đình bố tôi đã chuyển lên Thái Nguyên sinh sống từ năm 1965 tại Xóm làng Phẩy, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Bố tôi vẫn làm thuốc nam để chữa bệnh cho nhân dân.
Từ khi còn nhỏ tôi thường được bố tôi đưa đi hái thuốc và chỉ cho tôi cây thuốc. Bố tôi thấy tôi có khả năng về chữa bệnh, năm 1993 bố tôi đã truyền lại cho tôi một số bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả mà nhiều năm bố tôi đã sử dụng cho bà con mà không xảy ra sai sót nào, đạt hiệu quả rất cao và có tín nhiệm trong nhân dân”.
PV đã tới thôn Làng Phẩy, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên để xác minh thông tin phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Bích có khai man hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền để được Sở Y tế Thái Nguyên cấp Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không?.
Qua xác minh thông tin về bà Nguyễn Thị Bích thì thấy những thông tin bạn đọc phản ánh hoàn toàn chính xác. Các cụ cao tuổi, sinh ra và lớn lên tại thôn Làng Phẩy, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đều khẳng định: “Ông Nguyễn Văn Đắc là bố đẻ của bà Bích chuyển từ Thái Bình lên đây làm nông nghiệp, không hành nghề y học cổ truyền, không hay biết về thuốc nam và chưa hề chữa bệnh cho bất kỳ ai tại địa phương”
Tạo điều kiện xác nhận “khống”!
Để rõ hơn vấn đề, PV đã trao đổi Trao đổi với ông Âu Văn Được, phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, đồng thời cũng là người trực tiếp xác nhận trong “đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” của bà Nguyễn Thị Bích cho rằng: “chữ viết xác nhận trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Bích không phải của tôi mà là của một cán bộ văn phòng. Do tin tưởng vào nhân viên văn phòng nên tôi ký xác nhận chứ cũng không biết thực tế nội dung trong đơn như thế nào”. Ông Được đề nghị PV làm việc trực tiếp với ông Ma Tiến Moong, Chủ tịch hội Đông y xã Sơn Phú để có thông tin chính xác.
Phòng khám Ngọc Bích của bà Nguyễn Thị Bích tổ chức khám, chữa bệnh và bán thuốc hết hạn sử dụng cho bệnh nhân sử dụng
Ông Ma Tiến Moong, Chủ tịch hội Đông y xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, người trực tiếp xác nhận trong “đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” của bà Nguyễn Thị Bích khẳng định “ông Nguyễn Văn Đắc là bố đẻ của bà Bích chuyển từ Thái Bình lên làm nông nghiệp, không hành nghề y học cổ truyền, chưa từng là hội viên hội đông y, không hay biết về thuốc nam và chưa chữa bệnh cho bất kỳ ai tại địa phương”.
Ông Âu Văn Được, phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho rằng chữ viết xác nhận trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Bích không phải của ông mà là của một cán bộ văn phòng
Khi được hỏi, vì sao biết rõ gia đình bà Bích không hành nghề y học cổ truyền nhưng ông vẫn xác nhận trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Bích là “gia đình có nhiều đời làm thuốc nam” dẫn tới Sở Y tế Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái quy định cho bà Bích?. Ông Moong lý giải: “Tôi xác nhận cho cô Bích là gia đình có nhiều đời làm thuốc nam là vì cùng là người làng, người xóm nên tạo điều kiện thôi. Hơn nữa, do hội viên không trung thực, khai man trong đơn, tôi có biết đâu.”
Liệu có sự tắc trách của các cơ quan chức năng?
Trao đổi với ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên về trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với việc bà Nguyễn Thị Bích khai man hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền để được Sở Y tế Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái quy định?
Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên từng khẳng định sẽ rút giấy phép hoạt động nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng tại phòng khám Ngọc Bích
Ông Hồng cho rằng trách nhiệm thuộc về các cơ quan đã xác nhận đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Nguyễn Thị Bích. “Họ phải chịu trách nhiệm, họ ký là họ phải chịu trách nhiệm. Sở Y tế cứ đủ hồ sơ, thẩm định cơ sở đủ điều kiện là cấp”, ông Hồng khẳng định.
Một phòng khám đông y hoạt động từ nhiều năm, khám bệnh, chữa bệnh, bán hàng chục loại thuốc cho hàng nghìn người bệnh cả nước từ những bài thuốc gia truyền đã tự “tô vẽ” ra sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người bệnh? Thực tế đã không ít người rơi vào hoàn cảnh “bi đát”, “tiền mất tật mang bởi những bài thuốc gia truyền dởm này.
Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cấp cho cấp cho bà Nguyễn Thị Bích từ Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền tự “vẽ” của bà Nguyễn Thị Bích
Dư luận bức xúc hơn nữa bởi trách nhiệm của các cơ quan chức năng các nhà quản lý của tỉnh Thái Nguyên ở đâu khi để phòng khám Ngọc Bích tự tung tự tác, mặc sức chữa bệnh nhưng không bị xử lý?. Các đơn vị quản lý từ xã Sơn Phú, huyện Định Hóa và hàng loạt cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đang “ngó lơ” hay bao che cho vi phạm của phòng khám Ngọc Bích?.
Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền