Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Hải cùng đoàn công tác thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Hải cùng đoàn công tác thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công

Tổ chức nhiều hoạt động tri ân

Tỉnh Thái Nguyên hiện đang quản lý trên 130.000 hồ sơ người có công (chiếm trên 11% dân số), với hơn 10.000 liệt sĩ; trên 93.000 người tham gia kháng chiến, được tặng thưởng Huân, Huy chương; trên 12.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; trên 2.600 bệnh binh, trên 13.500 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 300 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày và 3.500 cán bộ lão thành, tiền khởi nghĩa và người có công với cách mạng. Toàn tỉnh hiện có 582 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 17 mẹ còn sống).

Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh luôn quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ...

Tỉnh thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các phong trào xây dựng Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, tình thương, giúp đỡ chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi.

Từ năm 2018 - 2022, toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “đền ơn đáp nghĩa” được gần 38 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã thực hiện sửa chữa 81 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ làm nhà ở cho 125 người có công; trợ cấp hàng tháng cho gần 20.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7)…

Các huyện, thành phố của tỉnh cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm cho bản thân và con em gia đình chính sách.

Những năm qua, chế độ trợ cấp, phụ cấp của Nhà nước đối với người có công, thân nhân liệt sĩ từng bước được nâng lên, do đó, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công được cải thiện rõ rệt; người có công, thân nhân liệt sĩ luôn được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ.

Ngày 21/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP. Theo đó,  mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng được nâng theo mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Hiện 100% gia đình người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% người có công được lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, được khám sức khoẻ; duy trì 100%  xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.                                                    

Bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên cũng có chính sách riêng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với người có công với cách mạng.

Theo đó, những năm qua, tỉnh thực hiện việc hỗ trợ trên 23 tỷ đồng để cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng.

Ngày 4/11/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỉnh quy định chính sách tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 600.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hỗ trợ hàng tháng đối với thành viên trong gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo (mức hỗ trợ bằng mức chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025).

Đây là Nghị quyết mang tính nhân văn cao cả, góp phần giúp 100% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, giúp họ được tiếp cận thông tin và thụ hưởng đầy đủ, đúng quy định các chính sách, chương trình giảm nghèo; giúp các hộ nghèo là người có công, có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ, để đảm bảo có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thái Nguyên cùng các đại biểu thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thái Nguyên cùng các đại biểu thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên cho biết:

Để thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chính sách đối với người có công với cách mạng theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới, Thái Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, phát huy mạnh mẽ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tỉnh quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn, với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Ba là, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” như xây dựng “nhà tình nghĩa”, quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, tặng “sổ tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng... góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, các cấp chính quyền cơ sở tạo điều kiện thuận lợi, có giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng và xã hội.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sâu sắc trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm “dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ làm theo, noi gương”…

Hà Hà