Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên tổ chức tập huấn, phổ cập kiến thức cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ làm công tác truyền thông địa phương về hỗ trợ người dân phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng liên tục thay đổi hình thức, chiêu trò, thủ đoạn, lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị N.T.T, ở tổ dân phố 10, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), cho biết: Đợt hè vừa qua, gia đình tôi có nhu cầu đi du lịch nên tìm kiếm thông tin về phòng nghỉ trên mạng xã hội. Khi thể hiện sự quan tâm, tôi nhanh chóng được tư vấn nhiệt tình, hứa hẹn nhiều ưu đãi và yêu cầu chuyển 30% giá trị để đặt phòng. Nghi ngờ vì tên và địa chỉ đơn vị cung cấp tour không thống nhất, tôi nhờ người quen có chuyên môn xác minh thì kết quả là không hề có công ty như vậy.
Không may mắn như chị T., bà P.T.V, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), đã bị lừa tiền đặt cọc để làm mi giả tại nhà. Bà chia sẻ: Tình cờ đọc thông tin trên Facebook về việc tuyển làm mi giả tại nhà, không yêu cầu trình độ, nguyên liệu có người giao tận nơi, với tiền công 2 triệu đồng sau khi làm xong, tôi đã đặt cọc 450 nghìn đồng để nhận một bộ dụng cụ làm mi giả gồm: Tóc, thước kẻ, băng dính. Sau 2 tháng làm cật lực, tôi trả hàng thành phẩm thì họ chê mi giả làm không đạt và không trả tiền công. Sau này tôi gọi nhiều thì họ chặn số và chặn cả tài khoản mạng xã hội.
Ông Nguyễn Quang Huy, chuyên viên Phòng Công nghệ thông tin (Sở TTTT), chia sẻ: Những chiêu trò lừa đảo nạn nhân gửi tiền vào tài khoản lạ để chiếm đoạt bằng giả hình ảnh, giọng nói qua phần mềm; đánh cắp (hack) tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo vẫn được đối tượng xấu sử dụng rộng rãi. Gần đây, khi Bộ TTTT yêu cầu chuẩn hóa thông tin cá nhân để tránh bị khóa sim điện thoại, xuất hiện thêm hình thức lừa đảo liên quan đến vấn đề này. Điều đó cho thấy, các đối tượng lừa đảo rất nhanh nhạy, luôn theo sát thông tin thời sự, nhắm đúng nhu cầu của nhiều người.
Đoàn viên thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên truyền thông về chuyển đổi số, phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, Sở TTTT đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền tại cơ sở và phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội chính thống… về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, cách thức phòng, tránh hiệu quả.
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở TTTT, khuyến cáo: Khi nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu bất thường, cần bình tĩnh xác minh thông tin, xem xét một cách cẩn thận, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết lạ không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động trang bị kỹ năng cơ bản, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân như: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội như: Con cháu, địa chỉ nhà, số điện thoại, số căn cước công dân…; sử dụng mật khẩu nhiều lớp để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Học cách phòng ngừa, sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và chống đánh cắp thông tin…
Hiện nay, Cục An toàn thông tin cùng thành viên “Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng” đã công bố chi tiết 24 hình thức lừa đảo trực tuyến tiềm ẩn trên không gian mạng tại địa chỉ https://khonggianmang.vn. Mọi người hãy truy cập để tra cứu hoặc phản ánh tới cơ quan chức năng nếu nghi ngờ lừa đảo trực tuyến; khi nghi vấn đối tượng giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
H.M (t/h)