Trong tháng 4, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tiếp tục triển khai đến các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa lưu thông trên thị trường đảm bảo trên địa bàn không xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, sản xuất hàng giả, hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, khan hiếm hàng hoá. Tiến độ thực hiện các kế hoạch kiểm tra đảm bảo theo quy định. Kết quả, tháng Tư, Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã kiểm tra 62 vụ, xử lý 39 vụ, tổng số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước 351,5 triệu đồng.
Tại cuộc họp giao ban, các đồng chí lãnh đạo các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT đã báo cáo kết quả thực hiện của từng đơn vị; thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp và trình bày những khó khăn, vướng mắc của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Nghiên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng đã biểu dương một số đơn vị có kết quả kiểm tra xử lý tương đối tốt từ đầu năm đến nay, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị kết quả kiểm tra xử lý chưa cao, công tác quản lý địa bàn chưa sát với tình hình thị trường thực tế; Bên cạnh đó, đồng chí Cục trưởng cũng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Cục trưởng chỉ đạo các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, UBND các huyện, thành phố về công tác kiểm tra kiểm soát thị trường phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện hiệu quả các kế hoạch đã ban hành; yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác theo dõi nắm tình hình thị trường, giám sát địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tập trung kiểm soát hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm và các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá quá mức...Tập trung kiểm tra lĩnh vực: thực phẩm, sữa, xăng dầu, vàng, đồ điện tử, điện lạnh, xe điện, điện thoại, phụ kiện điện thoại ...; Phối hợp với các lực lượng chức năng và các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch về “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-BCT năm 2021 của Bộ Công Thương về tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Quỳnh Nga(t/h)