Tỉnh Thanh Hóa chủ động cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các dự án vào nông nghiệp
Tỉnh Thanh Hóa chủ động cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các dự án vào nông nghiệp. Ảnh: M.H.

Theo đó, việc thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được xem là yếu tố then chốt để tỉnh Thanh Hóa thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.

Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đến các tổ chức, cá nhân. Tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; cung cấp kịp thời, đầy đủ về tình hình thị trường. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ; đề xuất các giải pháp khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để nắm bắt tình hình và các kiến nghị, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 1.026 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 498.734 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các doanh nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các doanh nghiệp là 18.480 người. Bình quân mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm.

Một số dự án có quy mô lớn như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, do Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Tập đoàn TH True Milk) đầu tư, với tổng số mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, quy mô nuôi khoảng 20.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày. Hiện, dự án đang đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, dự kiến đưa bò vào nuôi vào quý II/2022.

Một dự án lớn khác cũng được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên nên sự đột phá, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo đúng định hướng quy mô lớn, công nghệ cao khác là dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc do Công ty CP Xuân Thiện Thanh làm chủ đầu tư. Hiện, dự án đã hoàn thành các thủ tục về đầu tư và đang xây dựng chuồng nuôi lợn thịt, lợn nái, với khối lượng xây dựng đạt 80%, chuồng nuôi lợn cai sữa đạt 75%; chuồng nuôi lợn cụ kỵ đạt 50%...

Tỉnh Thanh Hóa xác định thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Do đó, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung nhiều nguồn lực, huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để phát triển, cơ cấu lại nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến sâu.

Hoài Thu