kkdk
Thanh Hóa khơi thông nguồn vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn triển khai mạnh mẽ, sâu rộng Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, như: Chủ động gặp gỡ, đối thoại, tổ chức hội nghị khách hàng để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn trong vay vốn ngân hàng, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, thực chất.

NHNN Thanh Hóa chỉ đạo các NHTM chủ động tìm kiếm, tổ chức ký kết cho vay vốn ưu đãi khách hàng, tùy theo điều kiện, mở rộng đến cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay phù hợp với mục tiêu chương trình. Đồng thời, ưu tiên cấp tín dụng hướng vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh; thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng là dịp để các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn... Thông qua chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp được tiếp cận chính sách tháo gỡ khó khăn của NHNN và Chính phủ. Tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh có 4.662 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng với dư nợ đạt 51.968 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động cam kết và giải ngân vốn vay mới, các NHTM trên địa bàn tỉnh cũng quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: Hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP với tiền lãi đã hỗ trợ đạt hơn 21 tỷ đồng; thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ, dư nợ đã hỗ trợ là 7.061,9 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 125,3 tỷ đồng; hơn 77 tỷ đồng đã giải ngân theo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm thủy sản với lãi suất thấp hơn từ 1 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn; hơn 39 tỷ đồng tiền phí dịch vụ đã miễn/giảm cho khách hàng từ đầu năm 2023 đến nay; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 218 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 1.190 tỷ đồng...

Với việc được vay vốn từ chương trình, các doanh nghiệp đã giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay bởi lãi suất cho vay thấp, từ đó góp phần tác động giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoài Thu