Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, góp phần bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển bền vững
Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, góp phần bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển bền vững.

Thực hiện Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS ngày 02/05/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện cấp hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng khơi và các vùng lộng, ven bờ cho tàu cá ở các địa phương ven biển trong tỉnh.

Trước đây, trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản thì tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên được khai thác thủy sản tại vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, việc quản lý tàu cá chuyển từ quản lý theo tổng công suất máy chính sang theo chiều dài lớn nhất của tàu cá.

Theo đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng, dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ và tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên phải thực hiện đăng kiểm.

Tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản (tàu có chiều dài lớn nhất dưới 6m do UBND cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý). Việc quản lý khai thác thủy sản theo hạn ngạch nhằm bảo đảm tàu cá hoạt động đúng vùng, góp phần bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển bền vững.

Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản giúp cho công tác quản lý tàu cá, tránh hiện tượng có quá nhiều tàu hoạt động ở một vùng
Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản giúp cho công tác quản lý tàu cá, tránh hiện tượng có quá nhiều tàu hoạt động ở một vùng.

Ngày 02/05/2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS về giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho tỉnh Thanh Hóa 1.674 giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi.

Trước những thay đổi do hạn ngạch quy định, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/03/2019 của Chính phủ, chú trọng hướng dẫn ngư dân thực hiện theo quy định về quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển và hoạt động kiêm nghề để bảo đảm sản xuất hiệu quả.

Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản giúp cho công tác quản lý tàu cá, tránh hiện tượng có quá nhiều tàu hoạt động ở một vùng, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; bảo đảm tàu cá hoạt động đúng vùng, góp phần bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển bền vững.

Đến hết tháng 03/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 1.728/2.113 tàu cá, đạt 81,8% tổng số tàu cá trên 12m tham gia khai thác. Trong đó, có 1.062 tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi, 666 tàu cá khai thác vùng lộng.

Hoài Thu