Thanh Hóa hiện có 357 sản phẩm OCOP, trong đó khoảng 60% các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm. Do đó, các cơ quan chuyên môn và địa phương đã tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) có 2 sản phẩm là dưa chuột baby Vạn Hà và dưa vàng Vạn Hà được chứng nhận OCOP 4 sao. Đối với HTX, việc thường xuyên kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng của các sản phẩm là điều rất cần thiết.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Dương cho biết: “Ngoài việc các sở, ngành kiểm tra định kỳ, HTX luôn duy trì, phát huy quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Đây không chỉ là nhiệm vụ để phát triển sản xuất bền vững mà còn là phương thức hữu hiệu để khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm trên thị trường”.
Tương tự, đối với các sản phẩm OCOP khác, sau khi được “gắn sao”, hoạt động sản xuất, kinh doanh được các cấp, ngành, địa phương khuyến khích mở rộng. Song vấn đề duy trì tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã và kiểu dáng sản phẩm luôn được giám sát khắt khe nhằm giúp người tiêu dùng “định vị” tốt sản phẩm, tránh nhầm lẫn với những sản phẩm cùng loại. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn Phạm Văn Sinh cho biết: “Một chủ thể sản xuất có thể có nhiều mẫu mã sản phẩm đưa ra thị trường, nhưng số lượng sản phẩm được công nhận OCOP là hữu hạn. Do đó, huyện thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu, logo OCOP ở các chủ thể, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mập mờ trong sử dụng logo chương trình cho những sản phẩm chưa được công nhận”.
Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra của các sở, ngành, đơn vị thì hầu hết các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất đều nhận thức được nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng đồng nghĩa tự đào thải sản phẩm và thương hiệu của mình. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, cơ quan chuyên môn luôn chú trọng đến chất lượng từng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường và kiên quyết loại trừ các sản phẩm không đủ điều kiện, cho dù đã được công nhận OCOP.
Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, ngày 30-5-2023 Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương có Văn bản số 337/VPĐP-OCOP đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể sử dụng logo OCOP theo đúng loại sản phẩm và hạng sao đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để đạt được hiệu quả, sức lan tỏa cao nhất, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.
Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: Trong giai đoạn mới, nhất là khi Nghị quyết 148 được ban hành với nhiều thay đổi trong chấm, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, thì vấn đề quản lý, giám sát đối với các sản phẩm OCOP càng quan trọng để bảo đảm gắn sao và đưa ra thị trường những sản phẩm thực sự chất lượng. Chính vì vậy, thực hiện các hướng dẫn của Trung ương, văn phòng đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý với các sản phẩm OCOP. Trong đó chú trọng đến việc sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, logo, nhãn mác sản phẩm và tính chính xác trong sử dụng logo, nhãn hiệu của chương trình.
Với sự vào cuộc nghiêm túc, chất lượng của các sở, ban, ngành, địa phương, 357 sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã và đang được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá cao, được xuất khẩu sang những thị trường khó tính trên thế giới.
PV (T/h)