Đảm bảo thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo

Cách thành phố Thanh Hóa gần 200 km và cách trung tâm huyện Quan Sơn 53 km về phía tây, Cửa khẩu Na Mèo - Nậm Xôi được chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào chính thức công bố là Cửa khẩu quốc tế từ năm 2004. Đây là cửa khẩu quốc tế duy nhất của Thanh Hóa - diễn ra các hoạt động giao thương chủ yếu giữa Việt Nam nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng với các tỉnh Bắc Lào.

Sau một thời gian dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, hoạt động giao thương, giao lưu giữa người dân vùng biên Na Mèo (Quan Sơn) và các bản giáp biên (Lào) qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa) đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức, nhằm giải quyết kịp thời các thủ tục hải quan, đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo, các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Thanh Hóa qua biên giới chủ yếu là vật liệu xây dựng, như sắt, xi măng, gạch ceramic, thiết bị vệ sinh và máy móc, thiết bị thi công công trình; các mặt hàng nhập khẩu là gỗ, lâm sản, nông sản. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn đạt gần 74 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập nhẩu song phương đạt gần 39 triệu USD, trong đó trị giá xuất khẩu đạt trên 34,5 triệu USD; trị giá nhập khẩu đạt trên 4,3 triệu USD.

Việc khai thác, phát huy tốt vai trò và đóng góp của Cửa khẩu quốc tế Na Mèo trong thời gian tới là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ của 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn, mà còn là sự quan tâm của chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào.

Hiện Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam theo Quyết định số 52 ngày 25/4/2008. Đồng thời, trong quy hoạch vùng huyện Quan Sơn đến 2045, đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo cũng được xác định là một điểm nhấn quan trọng của mô hình "một tuyến hành lang kinh tế" dọc Quốc lộ 217.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo là cần thiết trong tương lai, với kỳ vọng sẽ tạo ra cửa ngõ giao thương kinh tế - văn hóa quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Lào, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn.

Lê Nam