Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa nếp đặc sản mang giá trị kinh tế cao. Trong đó, lúa nếp cái hạt cau, nếp cái hoa vàng có khoảng 800 ha, nếp Cay Nọi hơn 600 ha, nếp hương hơn 400 ha và trên 3.000 ha lúa nếp N97, N98, nếp Liên Hoa, lúa Nhật J02 và các loại nếp khác.
Tỉnh Thanh Hoá luôn khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thường sang giống nếp đặc sản, qua đó không chỉ bảo tồn, phát triển giống lúa nếp đặc sản của địa phương mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, ngành nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư cho công tác tuyển chọn, khảo nghiệm các bộ giống mới phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng từng vùng miền. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản.
Với những nền tảng đã có, tỉnh Thanh Hóa hiện đã có 6 sản phẩm lúa nếp được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó, đối với giống lúa nếp Cay Nọi tại huyện Mường Lát- Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh, trong quá trình thực hiện Công văn số 503/BDT-KHTH, ngày 05/07/2021 của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, huyện Mường Lát đã xác định lúa nếp Cay Nọi là cây trồng có lợi thế cần nhân rộng và phát triển.
Đến nay, Mường Lát đã xây dựng thành công sản phẩm lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện trong năm 2021.
Hoài Thu