Theo đó, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn cho sức khỏe Nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.100 ha đất sản xuất các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…); gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; bước đầu đã hình thành một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Việc đầu tư sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, lẻ, thiếu đồng bộ. Việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, hiệu quả thấp.
Việc liên kết giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Việc phân biệt giữa sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các loại sản phẩm nông nghiệp thông thường khác trên thị trường gặp nhiều khó khăn.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có chất lượng, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Các cấp, các ngành phải xác định việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp của địa phương và của tỉnh.
Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái; về những tác hại, thiệt hại từ việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học không đúng quy định đối với môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng và chính bản thân người nông dân; từ đó nhanh chóng thay đổi thói quen, tập quán canh tác sang thực hành sản xuất sạch, an toàn.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm được kiểm soát, chứng nhận đảm bảo an toàn, hình thành thói quen lựa chọn, sử dụng nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo: Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…) tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Rà soát, xác định các vùng sản xuất phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo hướng nuôi - trồng kết hợp với du lịch sinh thái - trải nghiệm tại những nơi có điều kiện, để thu hút du khách đến tham quan và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương.
Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, các tác nhân phòng trừ sinh học thay thế cho phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa những hộ sản xuất liền kề để cùng nhau tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đủ lớn, sản phẩm có chất lượng đồng đều, giá thành cạnh tranh.
Mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ, trong đó, doanh nghiệp, HTX giữ vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm của hộ nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản; nông dân là chủ thể xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh thông qua các kênh thông tin, triển lãm, phiên chợ, hội chợ... Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, siêu thị thu mua, phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến các địa phương khác trong nước. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ra nước ngoài...
Lê Nam