Theo đó, với mục đích nhằm trang bị cho đội ngũ công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh kỹ năng hành nghề, giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, Sở Tư pháp Thanh Hoá đã phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công chứng cho gần 100 công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ đã được cung cấp các kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng như: Quy định của pháp luật về hộ tịch, hộ khẩu, hộ gia đình liên quan đến hoạt động công chứng; một số quy định của pháp luật về hộ tịch liên quan đến hoạt động công chứng; giá trị pháp lý và ý nghĩa trong hoạt động công chứng; thẩm quyền đăng ký khai sinh, nhận con nuôi, nhận cha, mẹ, con; thẩm quyền đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong hoạt động công chứng; đăng ký khai tử; một số quy định của pháp luật về hộ khẩu, hộ gia đình liên quan đến hoạt động công chứng...
Cùng với đó, các báo cáo viên cũng truyền đạt những quy định của pháp luật về thừa kế, và thừa kế có yếu tố người nước ngoài; kỹ năng công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan; một số quy định của pháp luật về thừa kế, thừa kế có yếu tố nước ngoài; một số lưu ý về thừa kế có yếu tố nước ngoài; di chúc có yếu tố nước ngoài...
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 51 tổ chức hành nghề công chứng với 95 hội viên, trong đó Phòng Công chứng số 1, số 2, số 3 trực thuộc Sở Tư pháp. Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải cho nhiều dịch vụ công do Nhà nước thực hiện.
Lê Nam