Mưa lớn từ ngày 28 đến rạng sáng 31/8, ở hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Lượng mưa lớn đã gây ra đợt lũ trên diện rộng, nhất là các huyện miền núi và ven các dòng sông lớn của tỉnh.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đến chiều tối 1/9, các huyện miền núi đã chủ động sơ tán 5.026 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Thanh Hóa: Mưa lũ khiến 13 người chết và mất tích - Hình 1

Nước lũ nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà của người dân Thanh Hóa

Các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 7.288 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến cuối giờ chiều 1/9, toàn tỉnh đã có 6 người chết (Mường Lát 4 người; Cẩm Thuỷ 2 người), 7 người mất tích (Mường Lát 4 người; Cẩm Thuỷ 3 người).

Về tài sản, đã có 208 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 8 nhà hư hỏng một phần, 146 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và gần 6.500 ngôi nhà bị ngập. Cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, bởi cận kè ngày khai giảng nhưng có tới 13 điểm trường bị ngập, 6 điểm bị ảnh hưởng của sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp.

Ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều thiệt hại, với gần 1.800 ha lúa, 266 ha hoa màu bị ngập và hư hỏng. Hơn 70 ha cây ăn quả và cây lâu năm, 0,5 ha cây giống bị hư hại; 500 kg lương thực bị cuốn trôi... Trong chăn nuôi, đã có gần 25.100 con gia cầm, 138 con gia súc bị chết hoặc lũ cuốn trôi. Các công trình thủy lợi cũng có nhiều hư hỏng, với 50 m đê bao Thạch Định (Thạch Thành) bị sạt lở, 150 m kênh mương hư hỏng...

Hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi có 5 cây cầu bị sập và cuốn trôi; đường tuần tra biên giới qua địa bàn 2 huyện Quan Sơn, Thường Xuân bị sạt lở nhiều vị trí; ách tắc 40 vị trí trên các tuyến quốc lộ (15C, 16, 217, 15, 217B) và 18 vị trí trên các tuyến đường tỉnh (521D, 516B, 518B, 521E, 522, 523, 523B, 523E) do sạt lở và ngập lụt kéo dài.

Thuấn Nguyễn