Theo đó, khó khăn hàng đầu hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và cũng là sự quan tâm hàng đầu hiện nay của các chủ doanh nghiệp chính là nguồn vốn tín dụng và các chính sách trong lĩnh vực này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh này có hơn 6.000 DN có dư nợ tín dụng với các ngân hàng. Ngay sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành ngày 13/03 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá tình hình thực tế về khách hàng và dư nợ ảnh hưởng.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất, cắt giảm các loại phí cân đối với nội lực của các tổ chức tín dụng và quy định của hội sở. Theo thống kê chưa đầy đủ, tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với dư nợ của ngành ngân hàng Thanh Hóa hiện khoảng 7.365 tỷ đồng, với 883 DN và 2.094 hộ kinh doanh. Nhiều tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đã tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để thực hiện giảm từ 0,5-1% lãi suất cho khách hàng. Hiện, nguồn vốn cho các khoản vay mới đạt khoảng 2.549 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa và hướng dẫn của hội sở, đơn vị đã thực hiện lộ trình cắt giảm lãi suất cho đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ ngày 10/02, với mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam quy định là 1%. Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Đến nay, đơn vị đã thực hiện giảm lãi suất cho hơn 500 khách hàng. Cơ cấu nợ cho 14 khách hàng; trong đó có 10 khách hàng DN và 4 khách hàng hộ cá thể, với số vốn 265 tỷ đồng. Qua rà soát, hiện đơn vị đã có danh mục sơ bộ khách hàng ảnh hưởng và đang tiến hành xét duyệt giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho DN trong giai đoạn 2.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19 là các doanh nghiệp ngành nghề may mặcChịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19 là các doanh nghiệp ngành nghề may mặc

Đặc biệt, một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19 là các DN ngành nghề may mặc. Sau đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, các DN tiếp tục gặp khó do các đơn hàng từ Mỹ, EU bị lùi, giãn thời gian nhận hàng và ít phát sinh đơn hàng mới. Đại diện Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hầu hết gần 200 hội viên trong hiệp hội đều có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Có DN là đối tác của 5 ngân hàng thương mại. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong thời gian qua, nhiều hội viên cũng đã được thụ hưởng việc giảm lãi suất ngắn hạn, cơ cấu nợ, vay mới để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Bên cạnh lĩnh vực tín dụng, Cục Thuế tỉnh đang tích cực thực hiện rà soát, chủ động triển khai hệ thống hỗ trợ, gửi thư điện tử cho các DN để thông báo, hướng dẫn về thủ tục và sẵn sàng tiếp nhận, xử lý giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các tổ chức, cá nhân. Theo đơn vị này, hiện nay hầu hết các DN đã nắm bắt được và nộp “giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất” qua phương thức điện tử. Tính đến hết ngày 27/04, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận có 987 trường hợp đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, trong đó có 874 DN và 113 hộ kinh doanh, với tổng số tiền đề nghị gia hạn hơn 90 tỷ đồng. Các DN sẽ được gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất.

Trao đổi với báo chí, Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Tác động của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề. Để chủ động vượt khó, hiện nay, mỗi DN, mỗi ngành hàng cũng đã có những kịch bản thích ứng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN cần được đồng bộ và cụ thể, thiết thực hơn. Trong đó, vấn đề tín dụng được xác định là “cứu cánh” cho các DN khôi phục sản xuất. Sắp tới, tổ chức VCCI sẽ kiến nghị Chính phủ thực hiện “bơm” tiền trực tiếp để cấp bù lãi suất từ các gói hỗ trợ để các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cho khách hàng.

Để thực hiện đồng bộ chính sách, các cấp, các sở, ngành cũng cần tích cực, linh hoạt hơn, triển khai các chính sách đúng, trúng và hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư khả thi. Các DN cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu chính sách, nhất là những quy định từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN về các đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng, Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thuế, tiền thuê đất và chủ động đề xuất các nội dung chưa phù hợp để VCCI, các tổ chức hiệp hội tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét.

Hoài Thu