Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La hiện có hơn 3.662 doanh nghiệp (DN), với tổng vốn đăng ký 77.080 tỷ đồng. Cộng đồng DN tỉnh Sơn La hiện đóng góp khoảng 35% GRDP và hơn 60% thu ngân sách nội địa của tỉnh.
Tuy đã đạt được bước phát triển đáng ghi nhận trong những năm gần đây; nhưng quy mô DN Sơn La hiện có tới 97% là DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh thấp, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Tỷ trọng DN trong các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ; đồng thời vẫn còn hạn chế về năng lực quản trị, chuyển đổi số, chưa xuất hiện nhiều DN có năng lực chế biến sâu, chưa có nhiều sản phẩm thương hiệu trên thị trường.
Từ những hạn chế trên, tỉnh Sơn La mong muốn được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban, ngành chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ tỉnh Sơn La trong việc xây dựng, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, phát triển DN, HTX; kinh nghiệm, quy trình thực hiện các thủ tục phát triển cụm công nghiệp; xây dựng các chuỗi liên kết để kết nối sản xuất, tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản có lợi thế.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng đề xuất tỉnh Thanh Hóa về việc tạo điều kiện cho các DN tỉnh Sơn La kết nối, tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn tại tỉnh Thanh Hóa; cũng như phối hợp với DN tỉnh Thanh Hóa phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến sâu, tăng cường quảng bá, hướng tới xuất khẩu để nâng cao giá trị hàng hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã thông tin khái quát về quy mô phát triển của DN Thanh Hóa; đóng góp của cộng đồng DN đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; các chính sách mà tỉnh Thanh Hóa đang triển khai hỗ trợ DN nhỏ và vừa như vốn, thể chế, cải cách hành chính, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến, chuyển đổi số...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định DN là nền tảng, là động lực của nền kinh tế; do đó, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành, dẫn dắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác phát triển DN.
Trong đó, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, ban hành các cơ chế hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên lộ trình trưởng thành, phát triển thành những DN lớn, doanh nhân thành công. Các cấp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng luôn chỉ đạo các ngành hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý, vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực sản xuất như vốn, đất đai, xây dựng các quỹ khởi nghiệp, xây dựng đề án phát triển DN...
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 214/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026; đồng thời dành nguồn kinh phí đáng kể hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Thanh Hóa cũng xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư tới nhiều quốc gia tiềm năng, tạo cơ hội cho DN trong tỉnh tiếp cận công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, DN 2 tỉnh Thanh Hóa và Sơn La cũng đã trao đổi kinh nghiệm triển khai phát triển cụm công nghiệp; thực thi các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa; việc thành lập và tổ chức hoạt động, nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng; kinh nghiệm và hiệu quả triển khai các chương trình kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại; công tác quản lý đất nông lâm trường...
Lãnh đạo 2 tỉnh và các sở, ngành cũng thảo luận và thống nhất với đề xuất của lãnh đạo tỉnh Sơn La trong việc tổ chức chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh Sơn La tại Thanh Hóa vào quý IV/2024. Theo đó, chương trình được tổ chức bao gồm hội nghị kết nối đầu tư và không gian các gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, tour du lịch, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, ẩm thực... Lãnh đạo 2 tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị liên quan xúc tiến các nội dung công việc liên quan để tiến tới tổ chức chương trình.
Khánh An