Bài 1: Hàng loạt vi phạm về môi trường bị phanh phui

Thời điểm năm 2016, sau gần 4 năm người dân tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) sinh sống quanh khu vực nuôi tôm của Công ty CP Long Phú, gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đề nghị cần sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm mặn trên địa bàn. Sở TN&MT Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện hàng loạt  vi phạm liên quan đến môi trường của DN này, diễn ra suốt thời gian dài.

Theo tìm hiểu, năm 2003, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2527/QĐ-CT ngày 8/8/2003 về việc thu hồi đất tại xã Quảng Thái, giao cho Công ty CP Long Phú thuê. Với diện tích thuê 13,2 ha (2.160 m2 đất vườn và 129.840 m2 đất lâm nghiệp) để nuôi tôm, với thời gian thuê là 20 năm.

Thế nhưng, trong quá trình nuôi tôm, công ty này đã không thực hiện nghiêm túc các vấn đề về môi trường, ảnh hướng trực tiếp tới đời sống của nhiều hộ dân thôn 7 và thôn 8, xã Quảng Thái, gây bức xúc trong nhân dân cũng như chính quyền địa phương.

Các báo cáo của UBND xã Quảng Thái và Sở TNMT Thanh Hóa về những vi phạm của công ty CP Long PhúCác báo cáo của UBND xã Quảng Thái và Sở TNMT Thanh Hóa về những vi phạm của công ty CP Long Phú

Cụ thể, theo Báo cáo số 20/BC-UBND của UBND xã Quảng Thái ngày 31/5/2016 gửi Sở TN&MT Thanh Hóa, UBND huyện Quảng Xương, Phòng TN&MT huyện Quảng Xương, báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm mặn, do hoạt động nuôi tôm của Công ty CP Long Phú, nêu rõ: Trong quá trình nuôi tôm, công ty này đã không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong nhân dân, cụ thể là không có hệ thống xử lý nước thải và chất thải sau khi sử dụng, công ty đã xả trực tiếp ra biển, gây mùi hôi thối.

Phần đáy của bể nuôi tôm lót bằng tấm bạt nhựa, thời gian sử dụng lâu nên bị phân hủy làm cho nước mặn ngấm xuống lòng đất, gây nhiễm mặn ra khu sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại thôn 7 và thôn 8. Tại thời điểm đó, có 25 hộ dân, nước sinh hoạt bị nhiễm mặn không sử dụng được, phải vận chuyển nước từ khu vực khác về.

Cũng trong nội dung báo cáo, từ tháng 4/2012 đến năm 2016, UBND xã Quảng Thái đã nhiều lần nhận được đơn thư của tập thể cán bộ, nhân dân thôn 8 sinh sống quanh khu vực nuôi tôm của Công ty CP Long Phú, đề nghị cần sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm mặn trên địa bàn. Vì chức năng, thẩm quyền có hạn nên UBND xã Quảng Thái đã báo cáo lên UBND huyện Quảng Xương, nhưng tình trạng trên kéo dài dẫn đến bức xúc trong nhân dân.

Khu vực nuôi tôm hiện nay của công ty CP Long PhúKhu vực nuôi tôm hiện nay của Công ty CP Long Phú

Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Quảng Thái, Sở TN&MT Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra các nội dung của báo cáo. Đến ngày 05/7/2016, Sở TN&MT Thanh Hóa đã có Báo cáo số 2996/STNMT-TNN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả kiểm tra nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn, trên địa bàn xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương.

Trong đó, nêu rõ về vấn đề bảo vệ môi trường, từ năm 2004, Công ty CP Long Phú đã thực hiện triển khai dự án nuôi tôm công nghiệp trên cát. Tuy nhiên, đến năm 2014, công ty này mới lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Từ khi đi vào hoạt động đến thời điểm kiểm tra, công ty chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường hàng năm và báo cáo về cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, trong quá trình cải tạo ao nuôi, quy trình nuôi, chưa có văn bản thay đổi các biện pháp bảo vệ môi trường so với Đề án bảo môi trường được phê duyệt.

Khu vực nước xảy thải từ hồ nuôi tôm của công ty CP Long Phú mà PV ghi nhận gần đây

Khu vực nước xả thải từ hồ nuôi tôm của Công ty CP Long Phú mà PV ghi nhận gần đây

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, đơn vị có khai thác, sử dụng nước dưới đất và nước biển phục vụ sinh hoạt và sản xuất, xả nước thải từ hoạt động nuôi tôm công nghiệp ra khu vực biển ven bờ xã Quảng Thái. Tuy nhiên, chưa có đánh giá tổng hợp quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải để lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Những ao không có hoạt động nuôi tôm công nghiệp từ năm 2013, thời điểm kiểm tra, không thực hiện quy trình tích nước mưa để rửa mặn. Hệ thống bạt lót các ao nuôi đã đầu tư từ năm 2004 đến thời điểm kiểm tra không đảm bảo dẫn đến việc thấm ngấm nước mặn từ các ao nước mặn từ các ao nuôi vào các tầng chứa nước, gây nhiễm mặn nguồn nước.

Khi xác định các vi phạm của Công ty CP Long Phú, Sở TN&MT Thanh Hóa đã yêu cầu công ty này thực hiện các biện pháp cụ thể.

Trước hết, dừng hoạt động nuôi tôm tại khu vực các ao nuôi đã được đầu tư, xây dựng từ năm 2003, diện tích 9,7ha (trong tổng diện tích đất 13,2 ha được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất, thời hạn 20 năm) để báo cáo tỉnh xem xét, cho phép chuyển mô hình sản xuất nuôi tôm công nghiệp sang khu du lịch nghỉ dưỡng theo quy hoạch sử dụng đất (giai đoạn 2011 – 2020) xã Quảng Thái đã được phê duyệt.

Yêu cầu công ty này thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các ao nuôi tôm mới cải tạo, đầu tư năm 2016, diện tích 3,5ha (phía nam khu đất). Có cam kết với UBND tỉnh không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động nuôi tôm của công ty.

Thực hiện ngay quy trình tích nước mưa tại các ao hiện không có hoạt động nuôi tôm từ năm 2013 đến thời điểm kiểm tra, để rửa mặn làm giảm độ mặn trong tầng chứa và nguồn nước nhiễm mặn.

Yêu cầu công ty phối hợp với UBND xã Quảng Thái để xác định, bồi thường, hỗ trợ 32 hộ dân bị ảnh hưởng, do nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn...

Thuấn Nguyễn