Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH và UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở LĐTB&XH đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh này thực hiện nghiêm việc hạn chế và tạm ngừng không tổ chức đưa lao động đến các khu vực đang có dịch; trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, người lao động cần phải được hướng dẫn để chủ động biện pháp phòng ngừa, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận. 

Đồng thời, thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trừ các hoạt động đào tạo buộc phải tạm ngừng thì công tác tư vấn, giới thiệu việc làm vẫn được Trung tâm triển khai. Tuy nhiên số lao động đăng ký đi XKLĐ không nhiều.

Ông Phạm Văn Viện, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, thông thường đầu năm hoạt động tuyển dụng và xuất cảnh sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan khá sôi động, nhưng năm nay, do dịch bệnh, các đơn hàng đều sụt giảm. Không những người lao động có nhu cầu đi XKLĐ e ngại đăng ký mà các đối tác nước ngoài cũng hạn chế việc tiếp nhận lao động, thực tập sinh vào thời điểm này.

Theo đó, 6 tháng đầu năm trung tâm đã tư vấn cho 1.755 lượt người về thị trường XKLĐ, trong đó tư vấn tại các hội nghị cộng đồng, phát tờ rơi và qua các phương tiện truyền thông là 1.005 lượt người; tư vấn trực tiếp tại trung tâm là 750 lượt người. Tuy nhiên, mới chỉ có 171 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp cũng như lao động trong nước. Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc mà nhiều nước là thị trường tiếp nhận nhiều lao động của Việt Nam đều tạm đóng cửa để phòng chống dịch bệnh. Đây là khó khăn chung của toàn thế giới không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà các doanh nghiệp XKLĐ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đại diện các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu đều nhận định, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại khi cả Việt Nam và một số nước đã khống chế được dịch bệnh. Trong khi chờ đợi thông tin từ chính phủ các nước, người lao động nên liên tục cập nhật thông tin, nâng cao sức khỏe phòng dịch và dành nhiều thời gian cho việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng và ôn luyện tiếng cho thật tốt. 

Được biết, hàng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Do vậy, trong mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh Thanh Hóa, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn luôn được quan tâm.

 Hoài Thu