Vật tư nông nghiệp là yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp
Theo đó, tại Thanh Hóa hiện có khoảng 500 sản phẩm phân bón vô cơ; 21 loại phân bón hữu cơ được công bố hợp quy. Đối với thuốc bảo vệ thực vật hàng năm, trung bình trên địa bàn toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 200 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm các loại.
Với diện tích gieo trồng cây hàng năm của toàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 400.000 ha, nên nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khá lớn. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh này sử dụng khoảng gần 500.000 tấn phân bón các loại. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại vật tư nông nghiệp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trên địa bàn, các doanh nghiệp đã nỗ lực sản xuất các loại phân bón, với lượng phân bón sản xuất hàng năm đạt khoảng 300.000 tấn, đáp ứng khoảng 55% nhu cầu sử dụng phân bón trong tỉnh. Số còn lại là phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Tuy vậy, hiện tại, trên địa bàn tỉnh này không có doanh nghiệp sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, nên thuốc đều nhập từ ngoài vào. Việc tiêu thụ lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thông qua các đại lý, cửa hàng, cơ sở và điểm kinh doanh, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hiện có trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, hiện nay các cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá nhiều, có mạng lưới rộng khắp. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở, cửa hàng kinh doanh có địa chỉ, đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, thì vẫn còn không ít trường hợp trong quá trình hoạt động kinh doanh, buôn bán không tuân thủ quy định.
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, song thị trường vật tư nông nghiệp vẫn khó kiểm soát. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới có 924 cơ sở kinh doanh phân bón và 915 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán, chiếm 43,7% số đại lý, cửa hàng, cơ sở và điểm kinh doanh, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hiện có trên địa bàn tỉnh. Như vậy, vẫn còn tới 56,3% số cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vẫn thiếu sự thẩm định, giám sát.
Đa số các hành vi vi phạm là kinh doanh không có biển hiệu, niêm yết giá, không có kệ kê phân bón và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nói chung với hàng hóa khác. Người bán hàng không bảo đảm yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, không cung cấp hóa đơn, chứng từ cho khách hàng. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng...
Kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất ở HTX nông nghiệp Liên Lộc
Ngoài ra, còn có tình trạng cứ đến thời điểm bước vào vụ sản xuất chính, tại các xã lại xuất hiện các điểm bán vật tư nông nghiệp tự phát để cung ứng các loại vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân sản xuất. Các điểm kinh doanh này chỉ tạm thời, ở một thời điểm nhất định, thông thường khi kết thúc mùa vụ thì các điểm kinh doanh này cũng ngừng hoạt động. Vì vậy, khiến việc quản lý, kiểm soát của các sở, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, công tác quản lý, kiểm soát vật tư nông nghiệp còn gặp khó khăn, hạn chế là do chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng tồn tại vi phạm còn nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lớn, trải rộng, song đa phần là các hộ, cơ sở kinh doanh nhỏ, thiếu kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức thị trường, điều kiện kinh doanh chưa bảo đảm, chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón.
Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, hạn chế tối đa các sai phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp, thời gian tới, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tụcđẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống, tố giác, lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp,... Nhất là, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nêu cao tinh thần, tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục và giá bán từng loại vật tư nông nghiệp.
Thường xuyên tự kiểm tra chất lượng, kịp thời loại bỏ, tiêu hủy những vật tư nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng. tham mưu cho các cấp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở mới; kiểm tra định kỳ các cơ sở và tái kiểm tra các cơ sở xếp loại (không đạt yêu cầu). Nếu cơ sở vi phạm, sẽ nhắc nhở và xử phạt theo quy định. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... theo đúng quy trình.
Hoài Thu