Liên quan đến thực trạng nhiều dự án được tỉnh Thanh Hoá giao đất qua nhiều năm, nhưng một số nhà đầu tư không triển khai dù được gia hạn nhiều lần, trong khi nhiều nhà đầu tư khác lại không có đất để triển khai dự án. Thay mặt UBND tỉnh Thanh Hoá, ông Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời nội dung này tại phiên chất vấn chiều 12/07 của Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82 ha. Trong đó, có 1.195 dự án được cho thuê đất với diện tích 3.601,37 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76 ha.
Sau khi được giao đất, cho thuê đất, các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án. Kết quả, có 1.102 dự án (khoảng 68,15%) đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86%) đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28%) thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013; 60 dự án thuê đất (chiếm 3,71%) đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Hầu hết các dự án được giao đất, thuê đất đã triển khai đầu tư đảm bảo theo tiến độ đã được chấp thuận và tiến độ đã cam kết, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích; một số dự án trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có quy mô sử dụng lao động lớn, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Một số dự án triển khai thực hiện đầu tư chậm trễ, kéo dài, không đảm bảo tiến độ, không đưa đất vào sử dụng... vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng. Một số nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất để đầu tư dự án nhưng chưa được đáp ứng kịp thời, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.
UBND tỉnh Thanh Hoá đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án; có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về các giải pháp để khắc phục có hiệu quả những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, tổng hợp và đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư.
Đồng thời, thành lập Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh để rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án, nhất là chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng... nếu đủ điều kiện.
Tăng cường giám sát, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư dự án; kịp thời phát hiện, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất; không để tái diễn tình trạng dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định.
Đầu tư hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục và công bố thông tin các dự án lớn kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có nhu cầu được biết và tham gia đăng ký đầu tư.
Các ban, sở, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá về đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng…; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung để đảm bảo hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hoài Thu