Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệpThanh Hóa đang tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: áp dụng giải pháp cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ không lương và giảm lương lao động.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Đối với các dự án đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết thỏa thuận ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường so với các quy định hiện hành. Cụ thể: rút ngắn 50% thời gian đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện với thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên, 30% đối với các thủ tục hành chính đang được thực hiện với thời gian giải quyết dưới 10 ngày.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, tạo bước đột phá về xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp, chia sẽ dữ liệu giữa phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương; tăng cường kiểm tra việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đối với các sở, ngành, địa phương.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật và kế hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý; nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hình hình mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Hoài Thu