shkshkjđk
Thanh Hóa hiện là tỉnh có tổng đàn lợn nhiều đứng thứ 4 của cả nước.

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đã góp phần tạo động lực để ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dần sang quy mô lớn và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.

Trong đó, tỉnh đã hoạch định rõ về mục tiêu đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ra thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển các thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 

Với sản phẩm thịt lợn, Thanh Hóa hiện là tỉnh có tổng đàn lợn nhiều đứng thứ 4 của cả nước với tổng đàn khoảng 1,2 triệu con, giá trị sản xuất thịt lợn chiếm 35,8% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh. Vì vậy, đây được xác định là 1 trong 6 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

Thanh Hóa kỳ vọng đến năm 2025, sẽ có 65% sản lượng thịt lợn sản xuất ra cung cấp cho thị trường trong tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, 35% sản lượng thịt lợn cung cấp ra tỉnh ngoài; có 2 sản phẩm thịt lợn được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao.

Để đạt được lộ trình phát triển này, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt lợn, như: chuyển dần chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Thu hút kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ và các cơ sở chế biến thịt có công nghệ, thiết bị hiện đại và khép kín, như: dây chuyền giết mổ, làm chín, đóng gói chân không; dây chuyền giết mổ thịt lợn mảnh; hệ thống kho lạnh cấp đông đảm bảo yêu cầu công nghệ; trang thiết bị kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hoài Thu