Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Theo đó, kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS) được thực hiện ở 5 yếu tố cơ bản: Tiếp cận dịch vụ công, thủ tục hành chính, công chức trực tiếp giải quyết công việc, kết quả dịch vụ và tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức.

Năm 2020 có 84,71% người dân, tổ chức hài lòng về việc tiếp cận dịch vụ công; 88,45% người dân, tổ chức hài lòng về thủ tục hành chính; 86,53% người dân, tổ chức hài lòng về công chức; 89,73% người dân, tổ chức hài lòng về kết quả dịch vụ mà họ nhận được; 11,64% người dân, tổ chức đã có ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị về dịch vụ công đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương.

So sánh kết quả SIPAS giai đoạn 2017-2020, có 21/63 tỉnh, thành phố nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức tăng bền vững; 41/63 tỉnh, thành có sự thay đổi và 1 tỉnh giảm dần qua từng năm.

Theo kết quả công bố của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thanh Hoá xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính với 84,33% (tăng 14 bậc so với năm 2019); xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với 88,70% (tăng 9 bậc so với năm 2019).

Kết quả này là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên Thanh Hoá vẫn còn 8 tiêu chí thành phần có số điểm thấp. Vì vậy, các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh sẽ cần nghiêm túc đánh giá lại các chỉ số thành phần có điểm số thấp, các chỉ số thành phần bị mất điểm để đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Hoài Thu