Cố ý bán thuốc cao hơn giá kê khai

Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp quản lý giá thuốc như kê khai, kê khai lại giá thuốc, niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh. Đồng thời, có các biện pháp bình ổn giá thuốc, đàm phán giá thuốc và đấu thầu mua thuốc.

Theo đó, giá bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện căn cứ giá mua vào để tính toán giá bán ra theo thặng số bán lẻ cụ thể đối với từng nhóm giá trị của mặt hàng thuốc. Giá mua vào của cơ sở bán lẻ thuốc không được cao hơn giá thuốc trúng thầu cùng thời điểm của chính thuốc đó đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử cuả Bộ Y tế trong vòng 12 tháng tính đến trước thời điểm mua thuốc. Bên cạnh đó, giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá do các doanh nghiệp kê khai, kê khai lại và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Còn đối với giá bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc trên thị trường thì phải niêm yết giá theo quy định và bán theo giá niêm yết. Đối với cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu phải kê khai, kê khai lại giá thuốc.

Đối với giá thuốc dùng cho bệnh nhân nội, ngoại trú được áp dụng theo kết quả đấu thầu tập trung tại Sở Y tế. Các mặt hàng thuốc cùng tên thương mại được thống nhất một giá trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy quy định là thế, nhưng thực tế vẫn có những cơ sở kinh doanh thuốc, nhà thuốc bệnh viện hay cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có hành vi cố tình bán thuốc cao hơn giá kê khai.

Cụ thể trong năm 2019, qua tiến hành kiểm tra 21 cơ sở kinh doanh thuốc trên thị trường, Sở Y tế Thanh Hóa đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm và xử phạt tổng số tiền 24.000.000 đồng về hành vi bán thuốc giá cao hơn giá kê khai. Cũng với hành vi trên, tại Bệnh viện đa khoa Hàm Rồng đã bị xử phạt 15.000.000đ.

Bệnh viện đa khoa Hàm Rồng nơi bị Sở Y tế Thanh Hóa xử phạt vì hành vi bán thuốc cao hơn giá kê khaiBệnh viện đa khoa Hàm Rồng bị Sở Y tế Thanh Hóa xử phạt vì hành vi bán thuốc cao hơn giá kê khai

Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình kiểm tra tại nhà thuốc- BVĐK Bỉm Sơn, Sở Y tế lại phát hiện ra hành vi mua và bán thuốc có giá bán buôn cao hơn giá kê khai. Do đó, Sở Y tế đã tiến hành xử phạt 2 cơ sở mua và bán với tổng số tiền 30.000.000đ.

Cần siết chặt quản lý hơn nữa

Hiện nay, tại Thanh Hóa, số lượng cơ sở hành nghề dược rất nhiều, bao phủ rộng khắp toàn tỉnh. Hơn nữa, số lượng các mặt hàng thuốc trên thị trường ngày càng phong phú, trong khi nhân lực tham mưu công tác quản lý nhà nước về giá thuốc còn hạn chế đã khiến các hành vi mua bán thuốc có giá cao hơn giá kê khai vẫn tồn tại.

Về mặt quản lý nhà nước về giá thuốc trên địa bàn tỉnh thì trách nhiệm thuộc về Sở Y tế Thanh Hóa.

Trong thời gian tới, để chấm dứt tình trạng nói trên, Sở Y tế đẩy mạnh công tác quản lý nghiêm giá bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, giá thuốc tại bệnh viện cũng như quản lý giá thuốc trên thị trường.

Cụ thể, Sở Y tế đã hướng dẫn giám đốc các bệnh viện thực hiện nghiêm Điều 136, Nghị định 154/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định về thặng dư số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh.

Mặt khác, Sở Y tế yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, chủ các nhà thuốc tư nhân thường xuyên kiểm tra các cơ sở bán lẻ trực thuộc. Phát hiện kịp thời hiện tượng bán lẻ thuốc có chênh lệch quá cao so với giá mua vào và kiểm tra lại việc bán thuốc giá cao hơn giá kê khai, báo cáo Sở Y tế để xử lý kịp thời.

Song song với đó, Sở Y Tế Thanh Hóa cũng thực hiện việc cho Hội đồng đấu thầu giá thuốc rà soát, tham khảo giá thuốc trúng thầu được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như tham khảo giá thuốc trên thị trường để xây dựng giá kế hoạch sát thực tế. Nhằm hạn chế việc có chênh lệch lớn giữa giá thuốc trên thị trường và giá thuốc tại bệnh viện.

                                                                                                                                   Hoài Thu