Quan Sơn là huyện miền núi có 84km đường biên giới tiếp giáp với các huyện Sầm Tớ, Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào), có cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Năm 2019, tuyến du lịch quốc tế Quan Sơn – Viêng Xay đã chính thức được công bố, mỗi năm thu hút hàng trăm lượt khách quốc tế.
Huyện có 4 dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông cùng sinh sống. Đồng bào các dân tộc nơi đây còn gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, huyện còn có Lễ hội Mường Xia được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nơi đây còn có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, như: Động Bo Cúng (bản Ngàm, xã Sơn Điện), đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào (xã Sơn Thủy); chợ phiên tại xã Na Mèo; Suối Din (xã Trung Hạ); khu du lịch động Nang Non (xã Sơn Lư); thác Sao Pa (xã Tam Thanh), thác bản Nhài (xã Sơn Điện)...
Đến Quan Sơn, du khách còn có cơ hội thưởng thức các đặc sản ẩm thực, sản phẩm OCOP nổi tiếng như: măng khô Nang Non, gạo nếp Cay Nọi Mường Xia, thịt bò khô Mường Hạ, vịt suối Tình, rượu siêu men lá Nàng Hương, cá tầm Mường Thanh, vịt bầu suối Chăng Mường Hạ...
Với nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, huyện Quan Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch tham quan, trải nghiệm gắn với cửa khẩu quốc tế Na Mèo ...
Từ những lợi thế đó, nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quan Sơn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Quan Sơn phát triển. Huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giai đoạn 2016 - 2024, huyện Quan Sơn được Nhà nước đầu tư hơn 40 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng hạ tầng phục vụ tour Quan Sơn – Viêng Xay.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc phát triển du lịch của huyện Quan Sơn còn nhiều hạn chế. Từ năm 2021 đến hết tháng 10/2024, toàn huyện đón được khoảng 70.000 lượt khách; tỷ lệ khách lưu trú đạt 1,66% so với các huyện miền núi và đạt 0,26% so với lượt khách du lịch của cả tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện Quan Sơn. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và gợi mở một số giải pháp để huyện nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, huyện Quan Sơn cần huy động mọi nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh, ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch cộng đồng, phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái. Quan Sơn phát triển du lịch cần gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn, định vị thương hiệu, bản sắc, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và du khách đến với Quan Sơn; tổ chức thực hiện, rà soát, điểu chỉnh, bổ sung, xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung cải tạo cảnh quan tại các cơ sở lưu trú.
Huyện Quan Sơn tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh; xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn, bảng giới thiệu, thuyết minh du lịch đa ngôn ngữ tại các khu vực, điểm du lịch.
Khánh An