Ông Nguyễn Văn Thanh (bên trái) trao đổi với phóng viên về hiện trạng thuê mượn đất nông nghiệp của người dân, nay hộ ông đã đào thành ao nuôi trồng thủy sản
Ngang nhiên biến đất ruộng thành… ao
Khoảng 2 năm nay, người dân khu khu 6 xã Đồng Luận rất bức xúc việc đất nông nghiệp chính chủ của mình bị ông Thanh sử dụng, đào múc làm thay đổi hiện trạng: từ đất trồng lúa, hoa màu thành ao nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Lã Văn Luận, Trưởng khu 6, xã Đồng Luận: Từ năm 2005, lò gạch thủ công của ông Thanh đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường. Việc lò gạch đốt làm khói bốc nghi ngút, ảnh hưởng trầm trọng, gây thiệt hại nặng nề đến diện tích đất trồng lúa (khu Láng Sản), trồng hoa màu (khu Gò Rậm) của người dân. Trước thực trạng này, người dân rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp; bị đẩy vào thế bắt buộc phải cho ông Thanh thuê mượn đất để làm cáng phơi, xếp gạch. Tuy nhiên, ông Thanh đã ngang nhiên múc đất nông nghiệp của người dân, làm thay đổi hiện trạng đất khiến nhân dân rất bất bình.
Không chỉ có hộ ông Lã Văn Luận bị ảnh hưởng bởi hoạt động lò gạch của ông Thanh, rất nhiều hộ dân ở khu 6 cũng trong tình cảnh tương tự. Theo người người dân, việc ông Thanh thuê mượn đất để phơi gạch được thực hiện bằng miệng, thời hạn 5 năm; mỗi vụ ông Thanh trả cho chủ đất (người có đất được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất/sổ đỏ) 30 kg thóc/sào; còn chủ đất vẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định. Trên thực tế, ông Thanh thực hiện trả đủ sản lượng cho người dân đến hết năm 2010; sau đó hai bên: chủ đất (người cho thuê mượn) và ông Thanh (người thuê mượn đất) tiếp tục thực hiện việc thuê mượn đất. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, có hộ được ông Thanh trả đầy đủ sản; nhiều chủ đất chưa được ông Thanh trả sản lượng.
Nhiều người dân xã Đồng Luận bức xúc việc ông Thanh ngang nhiên "hô biến" đất nông nghiệp của người dân thành ao thả cá
Ông Nguyễn Ngọc Đức ở khu 6 bức xúc: Ông Thanh mượn hơn 300 m2 đất ruộng của gia đình tôi nhưng từ năm 2013 đến nay không trả sản lượng. Trong khi đó, chúng tôi vẫn vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đây là nghịch lý!
“Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân được cơ quan thẩm quyền cấp sổ đỏ nhưng bị ông Thanh ngang nhiên sử dụng. Hơn thế, ông Thanh làm thay đổi hiện trạng đất khiến toàn thể nhân dân trong khu rất bức xúc. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc làm rõ việc ông Thanh thuê mượn, sử dụng đất sai mục đích làm thay đổi quỹ đất; đề nghị ông Thanh trả lại hiện trạng đất ban đầu và bồi thường thiệt hại gây ra cho người dân. Trong trường hợp ông Thanh có nhu cầu sử dụng tiếp, ông Thanh cần chấp hành đúng quy định pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, ông Lã Văn Luận, Trưởng khu 6 nói.
Ghi nhận của phóng viên tại những thửa đất vốn được xem là “bờ xôi ruộng mật” của người dân khu 6, nay đã bị hộ ông Thanh đào múc biến thành ao để nuôi trồng thủy sản. Được biết, việc nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao cho hộ ông Thanh.
Ngày 13/9/2018, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Thanh xác nhận: Năm 2005, tôi thực hiện dự án lò gạch thủ công tại xã Đồng Luận. Trong quá trình làm gạch, tôi có thuê đất nông nghiệp (tại Gò Rậm; Láng Sản) của người dân khu 6 với hình thức trả sản lượng; có hộ theo hình thức đổi thửa, tức là: chủ đất ở Gò Rậm hoặc Láng Sản sẽ cho tôi sử dụng diện tích đất của họ và tôi mua thửa đất có diện tích tương đương ở chỗ khác để cho chủ đất này sử dụng. Việc này, được thực hiện bằng miệng.
Ông Nguyễn Văn Thanh
“Khi thuê đất, tôi được phép sử dụng diện tích đất này vào mục đích của mình. Hiện nay, tôi đã trả đủ sản cho các hộ; chỉ còn 02 hộ đòi lại ruộng để canh tác, tôi không chấp nhận và tôi chỉ thực hiện trả sản lượng theo thỏa thuận ban đầu!”, ông Thanh nói.
Cũng theo phản ánh của người dân, khi ông Thanh làm lò gạch thủ công đã múc đất ruộng của người dân để dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch; còn phần diện tích đất nguyên liệu ông Thanh được cấp khai thác làm nguyên liệu sản xuất gạch hiện vẫn còn nguyên. Do lò gạch của ông Thanh xa khu dân cư, đến khi ông Thanh không thực hiện việc trả sản cho người dân, người dân tiến hành đòi lại diện tích ông Thanh đã thuê mượn để sản xuất nông nghiệp. Lúc này, phát hiện đất của mình đã bị biến dạng. Hiện tại, ông Thanh không làm gạch, toàn bộ diện tích đất của người dân khu 6 đã bị ông Thanh chuyển thành ao nuôi trồng thủy sản.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Luận cho biết, năm 2017, UBND xã nhận được đơn kiến nghị của người dân khu 6, yêu cầu ông Thanh trả lại đất để người dân canh tác. Trong thẩm quyền chức năng của xã, chính quyền xã đã tổ chức buổi làm việc, mời các bên liên quan tham dự để tuyên truyền, giải thích, vận động hòa giải. Qua hòa giải, nhiều hộ dân đồng ý tiếp tục cho ông Thanh thuê khoán đất nông nghiệp với hình thức “ký hợp đồng thuê khoán đất nông nghiệp” (thay hình thức cho thuê bằng miệng như trước); hàng vụ/hàng năm ông Thanh cam kết thanh toán các sản phẩm theo thỏa thuận hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 3 hộ chưa đồng ý và đề nghị: Ông Thanh thực hiện mua-bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đơn giá thỏa thuận hoặc tiến hành hoàn trả nguyên hiện trạng đất ban đầu. Đến nay, ông Thanh không đồng ý đề nghị của các hộ, do đó, người dân vẫn tiếp tục có đơn thư phản ánh lên các cấp thẩm quyền.
Huyện đang chỉ đạo giải quyết..
Nhiều người dân cho biết, việc ký hợp đồng cho ông Thanh thuê lại đất là “bắt đắc dĩ” bởi hiện đất nông nghiệp đã bị ông Thanh chuyển thành ao thả cá; khi đề nghị ông Thanh thực hiện thỏa thuận giá để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng ông Thanh không đồng ý. Như vậy, nếu không chấp nhận ký hợp đồng thuê khoán thì người dân “mất cả chì lẫn chài”, đất chính chủ mà không được sản xuất canh tác, hàng năm lại phải đóng khoản tài chính với Nhà nước.
Ngoài ra, người dân xã Đồng Luận phản ánh việc ông Thanh “vẽ” nhiều dự án (dự án lò gạch thủ công, dự án lò gạch liên hoàn kiểu đứng, dự án lò gạch tuynel; dự án đầu tư xây dựng mở rộng phát triển kinh tế trang trại tổng hợp…) để được cấp giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, nhưng thực tế, ông Thanh chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định đã đi vào hoạt động; hoạt động dự án chưa hiệu quả, hoặc chưa đưa vào triển khai cụ thể. Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương của những dự án này, ông Thanh ngang nhiên cho phương tiện, máy móc vào để múc, đào đất mang đi bán thu lợi cá nhân; còn tài nguyên đất bị “chảy máu”, gây thất thu ngân sách…(!?).
Để làm rõ phản ánh, kiến nghị của người dân về việc ông Thanh “hô biến” đất nông nghiệp thành ao nuôi trồng thủy sản; việc chấp hành quy định pháp luật về thực hiện các dự án đầu tư; quản lý, sử dụng đất đai được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như thế nào, phóng viên đã liên hệ công tác và được ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (UBND huyện Thanh Thủy) hẹn làm việc trao đổi thông tin vào 14h00’, ngày 18/9/2018 tại UBND huyện.
Theo lịch hẹn làm việc của vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy Nguyễn Anh Tùng, phóng viên đã có mặt đúng giờ nhưng ông Tùng đã không có mặt ở cơ quan để làm việc.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Thủy thông tin: “Sáng nay (ngày 18/9 – PV), ông Tùng có nói tôi biết, chiều nay, theo phân công của Chủ tịch huyện sẽ làm việc thông tin với phóng viên về sự việc đơn thư phản ánh của người dân tại xã Đồng Luận. Tuy nhiên, giờ này không biết Tùng đi đâu, tôi gọi điện cũng không thấy nghe”.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Thủy
Ông Hiền xác nhận với phóng viên: “Nội dung đơn thư người dân khu 6 gửi đến cơ quan là sự thực. Hiện UBND huyện chỉ đạo ông Thanh dừng mọi hoạt động để làm rõ phản ánh của người dân”.
Hoan Nguyễn