Theo ông Mến, trước khi thanh tra khoảng một tuần, phía doanh nghiệp đã được BHXH thành phố thông báo công khai, cụ thể về ngày giờ, nội dung làm việc.

Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Sài Gòn Shipyard có nhiều vi phạm. Cụ thể, trong lĩnh vực BHXH gồm bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp, tính đến hết tháng 5/2018, Sài Gòn Shipyard chậm đóng với số tiền hơn 31 tỷ đồng, vi phạm Điểm a, khoản 2, Điều 26 Nghị định 95/2013 của Chính phủ.

Thanh tra Công ty Sài Gòn Shipyard vì nợ đọng BHXH, BHYT lên tới 38 tỷ đồng - Hình 1

Công ty Sài Gòn Shipyard

Trong lĩnh vực BHYT, Sài Gòn Shipyard đóng không đủ số tiền 2,5 tỷ đồng. Lãnh đạo BHXH TP.HCM cho biết, trước những sai phạm với chứng cớ rõ ràng, Đoàn thanh tra của BHXH thành phố đã lập biên bản vi phạm hành chính số 781/BB-VPHC; đại diện doanh nghiệp cũng đã thừa nhận các sai phạm trên và ký nhận vào biên bản.

Trước đó, hơn 1.000 công nhân Công ty Sài Gòn Shipyard đã đình công vì bức xúc với việc công ty này nợ BHXH, BHYT và không đảm bảo các chế độ khác. Người lao động đã làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Saigon Shipyard là công ty 100% vốn Singapore, có trụ sở tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM). Để xử lý khoản nợ BHXH, công ty này đã có văn bản kiến nghị tới UBND TP.HCM. Trong đó phải kể đến kiến nghị số 1 và 5, Saigon Shipyard đề nghị Thành phố không phong tỏa tài khoản ngân hàng và đề xuất biện pháp cấm xuất cảnh tạm thời đối với người đại diện pháp luật của Công ty.

Tại kiến nghị số 4 và 7, công ty này còn yêu cầu đối thoại với các sở, ban, ngành của Thành phố; đồng thời kiến nghị được giới thiệu các DN thuộc ngành đóng tàu để thanh lý hàng tồn kho tại Công ty.

Tại các kiến nghị số 2 và 3, Saigon Shipyard còn cố tình đề xuất cách xử lý liên quan các khoản nợ BHXH đó là “xem xét khoanh nợ BHXH, không tính lãi do chậm nộp tiền đóng BHXH, BHYT”.

Còn tại kiến nghị số 6, Saigon Shipyard kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm thời không tiến hành… thanh tra, kiểm tra đối với Công ty.

Được biết, sau khi tiếp nhận các nội dung từ Saigon Shipyard, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Lê Thanh Liêm, giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu giải quyết.

Bảo Ngọc