Núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An (doanh nghiệp) không được Nhà nước giao, cho thuê, sử dụng, đã tự ý xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ. Đáng nói, quá trình xây dựng kéo dài tới nửa năm từ giữa tháng 8/2017 đến giữa tháng 2/2018, tính cả diện tích đất, rừng đặc dụng, núi đá, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bị xâm hại là 742m2.

Ninh Bình: Xâm hại di sản và bài học về thanh tra, kiểm tra thường xuyên - Hình 1

Để Khu di tích Tràng An tồn tại mãi với thời gian thì phải tuyệt đối không để bị xâm hại

Ngoài hành vi xâm hại trên, doanh nghiệp còn có hành vi xây dựng các công trình trái phép trên diện tích đất không được Nhà nước giao quyền sử dụng đất cũng tại núi Cái Hạ như: Xây dựng hàng nghìn m2 công trình; xây dựng nhà hai tầng; xây dựng cổng ra vào trái phép...

Trong kết luận thanh tra mới đây của UBND tỉnh Ninh Bình, hoạt động kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp còn có hàng loạt vi phạm về: Luật Doanh nghiệp; Luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp còn vi phạm quy định về vận chuyển khách du lịch khi các lao động thuộc công ty chưa có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch; tự ý làm nhiều biển bảng, cổng ra vào nội dung không đúng quy định...

Có một điều dư luận quan tâm đó là, các hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong thời gian dài như vậy thì lực lượng chức năng về quản lý văn hóa, quản lý du lịch, chính quyền địa phương ở đâu? Trong kết luận của tỉnh Ninh Bình thì hoạt động xâm hại trái phép trên núi Cái Hạ của doanh nghiệp đã có văn bản nhắc nhở xử phạt. Song, còn với nhiều hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, về quản lý văn hóa, du lịch khác kéo dài nhiều năm lại không nhắc đến việc xử phạt hay đã áp dụng các biện pháp xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Do vậy, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, của các cơ quan quản lý văn hóa, quản lý du lịch trong trường hợp này là “có vấn đề”.

Thực tế, trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2018, UBND tỉnh đã chỉ rõ trách nhiệm của hàng loạt sở, ngành: Văn hóa, thể thao, du lịch, Ban Quản lý di tích Tràng An, Chủ tịch UBND xã Trường Yên, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc “không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý di sản, quản lý du lịch, quản lý văn hóa, quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, lao động, bảo hiểm xã hội; thiếu kiểm tra, phát hiện kịp thời. Đặc biệt là công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ, cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều văn bản kiến nghị, xử lý, ngăn chặn kém hiệu quả, thiếu quyết liệt, không triệt để ngay từ khi phát hiện vi phạm của giám đốc doanh nghiệp, tạo dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di sản”.

Sau kết luận thanh tra, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, yêu cầu cụ thể từng nội dung công việc của các sở, ngành. Cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cũng phải đưa ra các giải pháp tăng cường công tác quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm của tổ chức, cá nhân đối với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An ngay từ khi mới phát sinh theo đúng quy định pháp luật.

Mấu chốt vấn đề các giải pháp xây dựng thể chế, các quy định, quy chế đã được UBND tỉnh đang chỉ đạo “xây” Quy chế quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần thể hiện được văn hóa doanh nghiệp, trong đó, cơ bản nhất là phải hoạt động đúng pháp luật.

Câu chuyện xâm hại Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của một doanh nghiệp tại Ninh Bình là cá biệt, song, đâu đó, có thể các hành vi xâm hại di sản tương tự hoặc tinh vi hơn vẫn có thể đã, đang và sẽ xảy ra. Vấn đề văn hóa doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần được người đứng đầu ý thức thực hiện. Văn hóa đó không phải những gì quá xa vời mà nó được xây dựng, tạo lập từ những điều hết sức giản dị, dễ nhớ, dễ làm. Ví như một câu tuyên truyền thường thấy tại các khu rừng đặc dụng, di tích, di sản mà ngay cả trẻ em cũng dễ nhớ: “Đừng lấy gì ngoài những bức ảnh”.

Bảo Ngọc T/h