Thạc sỹ Phạm Thị Lý
Thạc sỹ Phạm Thị Lý được vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V

Nhằm ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, ngày 3/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình tôn vinh: “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V và trao giải Cuộc thi “Sáng tạo nhà nông” lần thứ X năm 2024.

Đối tượng tham gia chương trình này là những người có học hàm, học vị, có công trình nghiên cứu hoặc những nhà quản lý, những người nông dân có phát minh, sáng chế, sáng kiến, có sáng tạo, cải tiến quy trình kỹ thuật, quy trình quản lý hoặc những người có kiến thức về chuyên môn, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quy trình quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sau khi xét chọn qua 2 cấp Hội đồng (Hội đồng xét chọn cấp tỉnh, bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Trung ương, Ban Tổ chức đã lựa chọn 56 "Nhà khoa học của Nhà nông" để tôn vinh năm 2024.

Trong số 56 “Nhà Khoa học của Nhà nông” được tôn vinh năm 2024 có Thạc sỹ Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) - đơn vị thành viên của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Việt Nam (VATAP), có 4 sáng chế, 3 giải pháp hữu ích áp dụng cho nông nghiệp, điển hình như: Sáng tạo ra nền tảng CheckVN; tác giả của “Giải pháp hữu cơ vi sinh” và mô hình “Trồng và bảo tồn đa hệ sinh học dược liệu dưới tán rừng”.

Với mong muốn xây dựng một tổ chức khoa học công nghệ, tập hợp lực lượng trí thức trẻ nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Từ kinh nghiệm và tích lũy của bản thân trong kinh doanh, năm 2013, Thạc sỹ Phạm Thị Lý đã trở thành người sáng lập và điều hành Trung tâm IDE, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, do Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thành lập, theo Quyết định số 225/QĐ-BTV ngày 22/8/2013.

Thạc sỹ Phạm Thị Lý
Thạc sỹ Phạm Thị Lý

Theo đó, 3 giải pháp hữu ích áp dụng cho nông nghiệp đó là:

Giải pháp thứ nhất là một nền tảng công nghệ lõi dùng để chống giả, minh bạch quá trình sản xuất, kết nối nhà quản lý, nhà sản xuất với người tiêu dùng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản thực phẩm và hàng hóa Việt Nam, bảo vệ thị trường trong nước trước sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế - mang tên công nghệ CheckVN;

Giải pháp thứ hai là công nghệ sinh học VBIO đa năng, dùng để sản xuất nông nghiệp theo một vòng tuần hoàn, hoàn nguyên cho đất, bảo vệ nguồn nước bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch Việt Nam. Trong đó dùng VBIO đa năng để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất và chế biến nông sản để sản xuất thành phân hữu cơ bón ruộng, cải tạo đất và làm thành dinh dưỡng cây trồng. Giải pháp này đã giúp nông dân tận dụng toàn bộ nguồn rác thải hữu cơ trong chăn nuôi và sau chế biến thành nguồn phân chuồng bón ruộng, làm tăng độ phì nhiêu của đất và giảm giá thành đầu vào;

Giải pháp thứ ba là một công trình bảo tồn cây thuốc quý, xây dựng hệ sinh thái đa dạng dưới tán rừng, chế biến và sản xuất thuốc từ cây dược liệu bản địa, đặc hữu của người Việt.

Ba giải pháp trên đã trở thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân bao gồm công nghệ thông tin chuyển đổi số, công nghệ sinh học và công nghệ chế biến dược.

Dưới sự dẫn dắt của Thạc sỹ Phạm Thị Lý, Trung tâm IDE đã đạt nhiều thành tựu về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển nền tảng công nghệ lõi CheckVN, áp dụng cho 12 tỉnh, thành phố trên cả nước và nhiều tổ chức nghề nghiệp cấp quốc gia.

CheckVN là một nền tảng công nghệ thông tin số hóa phản hồi nhanh dùng để quản trị, kiểm soát, quản lý, chống giả, điều nghiên thị trường và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; đảm bảo cho người tiêu dùng xác thực được thông tin mà nhà sản xuất và nhà phân phối đưa ra, chống lại sự làm giả từ chính nhà sản xuất.

CheckVN bao gồm tem chứa mã QR bảo mật hai lớp, kết hợp với thiết bị động có cài ứng dụng để truy cập vào một trung tâm dữ liệu có các cơ sở dữ liệu quản lý độc lập (CSDL mã tem thứ nhất chứa thông tin về nhà sản xuất; CSDL mã tem thứ hai chứa thông tin về nhà sản xuất và nhà cung cấp; CSDL so sánh chứa dữ liệu thông tin về từng cặp mã tem, CSDL sản phẩm và CSDL sản phẩm đã xác thực).

Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh chúc mừng nhà khoa học Phạm Thị Lý
Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh chúc mừng nhà khoa học Phạm Thị Lý

Sau khi người dùng quét QR code bằng di động, tín hiệu được chuyển đến trung tâm dữ liệu, để xác thực các đoạn mã. Các mã phải khớp với CSDL ở từng vòng mới có thể đi đến CSDL tiếp theo.

CheckVN được hình thành từ hai công trình khoa học đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ: Thứ nhất, sáng chế mang tên: “Quy trình xác thực chống hàng giả” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Với sáng chế này, CheckVN được bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một quy trình từ cập nhật thông tin, lưu giữ thông tin, kết nối thông tin, bảo mật thông tin, xác thực chống giả thông tin với thuật toán định danh cho từng sản phẩm. CheckVN cho phép xác thực thông tin và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính xác.

Thứ hai, giải pháp hữu ích mang tên: “Hệ thống quản lý và theo dõi thông tin nguồn gốc thực phẩm ở cấp độ quản lý và người dùng”, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 3341, Cục Sở hữu trí tuệ cấp theo Quyết định số 61655/QĐ-SHTT.ip, ngày 15/8/2023.

Khi kết hợp hai phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích khoa học này, tác giả Phạm Thị Lý đã cùng các kỹ sư công nghệ của Trung tâm IDE xây dựng và làm chủ nền tảng công nghệ lõi CheckVN – một nền tảng công nghệ số về quản trị sản xuất, chống giả, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kết nối điều nghiên thị trường đáp ứng các yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019, TCVN 7322:2009 & GS1 GTS quốc tế, thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

CheckVN đã được các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công An (C41-C42, C54) thẩm định, đánh giá, giám định về bảo mật, an toàn thông tin và tư vấn áp dụng vào truy xuất nguồn gốc trên diện rộng.

Giải pháp cũng được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam công nhận là giải pháp an ninh thương mại điện tử và an ninh logistics chưa từng được phổ biến tại Việt Nam.

Thành công của giải pháp đã đưa Trung tâm IDE trở thành tổ chức khoa học công nghệ đầu tiên tại Việt Nam có phát minh sáng chế độc quyền về một giải pháp công nghệ số kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và sản phẩm hàng Việt trước sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế.

CheckVN đã được chuyển giao công nghệ và ứng dụng thành công vào xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản cho các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Đắk Nông, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Đồng Nai xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm cấp tỉnh.

Các tác giả được vinh danh tại buổi lễ
Các tác giả được vinh danh tại buổi lễ

Nhiều địa phương chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc cấp tỉnh đang được CheckVN miễn phí sử dụng đấu nối dùng chung trên nền tảng check.net.vn, để liên thông với hệ thống truy xuất nguồn gốc thành phố Hà Nội như Điện Biên, Hải Dương, Thanh Hóa… để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu ở cấp sở ngành, quận, huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, với sự tham gia của hơn 7.160 doanh nghiệp, với hơn 20.910 sản phẩm nông sản thực phẩm đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc.

Các tổ chức nghề nghiệp như: Hiệp hội chống giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, Ban điều phối nông nghiệp hữu cơ PGS Việt Nam áp dụng nền tảng CheckVN xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức mình triển khai trên diện rộng.

Năm 2019, CheckVN được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thí điểm áp dụng thành cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của Bộ này.

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 4164/QĐ-BNN-KHCN thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong đó chính thức áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc Checkvn.mard.gov.vn, do Trung tâm IDE xây dựng trên nền tảng công nghệ CheckVN là hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nguyễn Kiên