Trong kết luận của Cơ quan điều tra Úc thừa nhận, không có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến giá điện, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép của các DN sản xuất thép dây cuộn của VN và không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại VN. ADC đã sử dụng phương pháp so sánh giá thông thường tại thị trường nội địa và giá xuất khẩu để xác định biên độ phá giá. ADC quyết định chấm dứt cuộc điều tra thép dây dạng cuộn nhập khẩu do biên độ bán phá giá của tất cả các nhà xuất khẩu VN đều dưới biên độ phá giá tối thiểu không gây thiệt hại đối với ngành sản xuất của Úc.

Trước đó, cuối tháng 5/2017, ADC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm dây thép dạng cuộn nhập khẩu từ VN. Nguyên nhân của việc điều tra này xuất phát từ việc Công ty OneSteels (Úc) đã nộp đơn khởi kiện lên ADC cáo buộc thép cuộn nhập khẩu từ VN có hành vi bán phá giá.

Nguyên đơn cáo buộc, thép cuộn VN nhập khẩu vào Úc có tồn tại “tình huống thị trường đặc biệt” (ý cho rằng Chính phủ hỗ trợ liên quan đến giá điện và giá nguyên liệu). Giai đoạn điều tra bán phá giá từ 1/4/2016 – 31/3/2017 và giai đoạn điều tra thiệt hại là 1/1/2013 đến khi điều tra. Dung lượng thị trường của Úc theo nguyên đơn là khoảng 600.000 tấn/2016. Biên độ bán phá giá theo cáo buộc của nguyên đơn đối với sản phẩm bị điều tra là 30,6%.

Sau quá trình điều tra sơ bộ, tức khoảng 2 tháng sau khi nhận đơn khởi kiện của OneSteels, ADC chưa áp dụng thuế sơ bộ với thép cuộn VN. Khi đó, sau khi xem xét đơn kiện, các thông tin thu được và các bản trả lời câu hỏi điều tra của các bên liên quan, ADC nhận thấy chưa có đủ bằng chứng chứng minh hàng hóa liên quan đến nhập khẩu VN vào Úc bị bán phá giá và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá này với thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp liên quan của Australia.

Hải Minh