Thị trường chứng khoán đã kéo dài xu hướng tăng trong 5 tháng qua. Theo các chuyên gia, với đà tăng kéo dài này, thì thị trường xen lẫn những nhịp điều chỉnh, là điều có thể dự báo. Với nhiều điểm được cho là tương đồng với chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường từ 2013 đến 2018, nhiều chuyên gia còn lạc quan về một chu kỳ tăng trưởng kéo dài với chứng khoán Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ đà hồi phục và tăng trưởng kinh tế từ 2023. Lãi suất thấp, dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán có xu hướng tăng, khi mà chi phí đầu tư giảm. Trên thực tế, thì thị trường chứng khoán đã tăng trưởng tích cực cả năm ngoái và đầu năm nay. Cộng với định giá thị trường hấp dẫn khi PE dự phóng cho 2024 chỉ ở mức hơn 12 lần.
Nhiều chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán hiện nay khá tương đồng với giai đoạn cách nay khoảng 10 năm.
Ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Nghiên cứu (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho biết: "Tôi thấy thời điểm hiện tại tương tự với 2013 và 2014. Chu kỳ này có thể kéo dài thêm khoảng 5 năm nữa. Và nó sẽ có thể lành mạnh hơn giai đoạn trước, kết hợp với sự kiện thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng".
Với những nỗ lực nâng hạng của cơ quan quản lý ngành thời gian gần đây, thì hầu hết các dự báo đều cho rằng, khả năng cao thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào đầu năm sau. Dòng tiền thường vào trước, sẽ góp sức cho đà tăng.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường (Công ty Chứng khoán VPBank) nhận định: "Khi mà Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn, tiêu chí của những tổ chức đánh giá nâng hạng nước ngoài, ví dụ như FTSE Russell chẳng hạn, thì trong vòng 1 năm, 1 năm rưỡi gần nhất, dòng vốn có thể sẽ quay lại Việt Nam rất sớm, đặc biệt là dòng vốn đầu cơ từ những quỹ, những nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ vào sớm hơn".
Tại Hội thảo Chứng khoán 2024: Đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới, các chuyên gia đánh giá, mặc dù thị trường đang xen kẽ những phiên điều chỉnh, tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng từ của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất lớn, cả trong trung và dài hạn.
Ông Matthew Smith - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối Khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) thông tin: "Tôi cho rằng, thị trường hiện đang phải chịu áp lực chốt lời và 1.300 điểm là ngưỡng kháng cự lớn. Dù vậy, tôi không quá lo lắng khi thị trường giảm, thị trường chỉ đang trong giai đoạn điều chỉnh, theo quan điểm của tôi. Và điều này khá bình thường khi thị trường đang trong những cơn sóng tăng".
Kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực, lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng ở mức cao khoảng 18% trong năm nay, khiến giới phân tích lạc quan về thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro từ bên ngoài như khả năng FED hạ lãi suất chậm hơn so với dự kiến, hay tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa được như kỳ vọng.
Khối ngoại phiên vừa qua mua ròng trở lại mua ròng hơn 50 tỷ đồng sau phiên bán khá mạnh. Đáng chú ý các nhà đầu tư nước ngoài mua thỏa thuận lượng lớn 1 cổ phiếu ngành điện là VPD, niêm yết trên Hose nhưng mã này gần như có rất ít giao dịch. Mặt khác, khối ngoại tiếp tục bán ra VHM của Vinhomes, với giá trị gần 250 tỷ đồng.
Trong vài phiên vừa qua cũng ghi nhận các giao dịch mua vào cổ phiếu của một số nhà đầu tư tổ chức hoặc cổ đông lớn. Đáng chú ý, Dragon Capital báo cáo đã mua vào 155.000 cổ phiếu FRT trong ngày 8/4, cùng ngày, GIL cũng được một cổ đông lớn mua gom thêm hơn 220.000 đơn vị, đúng phiên cổ phiếu này giảm sàn.
Thu Trang