Tin tức về dòng tiền khối ngoại đang trở thành bệ đỡ tâm lý quan trọng thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. Suốt tuần qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân tỏ ra hào hứng trước thông tin quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF huy động vốn bổ sung đợt 5 là khoảng 160 triệu USD, tương ứng với hơn 3.800 tỷ đồng.
Việc quỹ ETF lớn thứ hai thị trường Việt Nam về giá trị tài sản ròng huy động thêm tiền và giải ngân cũng được xem là tin tức tích cực chung cho cả thị trường. Danh mục của Fubon tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, từ đó sẽ góp phần nâng đỡ chỉ số chung, cũng như tạo lực cầu cổ phiếu tích cực trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, quỹ này cũng từng nhiều lần huy động thêm vốn để mua vào khi thị trường ở trong trạng thái bi quan và tiêu cực, lần gần nhất là đợt mua ròng của khối ngoại hồi tháng 11 năm ngoái, khi chỉ số VN-Index tạo mức đáy của năm.
Tất nhiên, tín hiệu từ khối ngoại chỉ là một trong số các thông tin tích cực giúp thúc đẩy thị trường VNI-Index trong tuần qua, bên cạnh câu chuyện Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp hay Trung Quốc mở cửa thị trường du lịch.
Dù vậy, dòng tiền thực tế từ các quỹ ETF hiện được kỳ vọng sẽ giải ngân ngay trong tháng Ba, sẽ giúp thị trường sôi động trở lại, đồng thời cũng là bệ đỡ quan trọng cho thị trường, ít nhất là về mặt tâm lý cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, dự kiến dòng tiền khối ngoại chuyển động tích cực hơn. Bên cạnh Fubon, quỹ V.N.M ETF có thể mua khoảng 2.300 tỷ đồng (tương ứng 20% giá trị tài sản ròng hiện tại). “Tổng cộng, chúng tôi ước tính dòng tiền khoảng 6.100 tỷ đồng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tuần tới, và có thể chấm dứt hoạt động bán ròng của khối ngoại”, báo cáo của VNDirect nhận định.
Tính riêng trong tuần qua, nhóm tổ chức nước ngoài mua ròng hơn 900 tỷ đồng, ngược lại là nhóm nhà đâu tư cá nhân và tổ chức trong nước lại bán ròng. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset, nhóm quỹ mở huy động ròng khoảng 7,9 triệu USD, tương ứng khoảng 186 tỷ đồng. Trong đó nhóm quỹ Hàn quốc huy động ròng 10,3 triệu USD, nhưng VFM VN Diamond rút ròng khoảng 1,1 triệu USD.
Còn trong tháng Hai, theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 48.419 tỷ đồng, chiếm hơn 12,08% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 571,8 tỷ đồng.
Tháng Hai cũng ghi nhận tình trạng các nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại mua ròng trong khi tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng sau khi tích lũy cổ phiếu trong 03 tháng trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng bất động sản nhiều nhất (tập trung vào VHM, DXG và KDH), nhóm công ty đa ngành và tiêu dùng thiết yếu. Ở chiều ngược lại, nhóm này mua ròng tài chính và năng lượng.
Tuy nhiên, nếu tính lũy kế 02 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 2.100 tỷ đồng trên HOSE, nhờ đã mua đáng kể trong tháng 01/2023. Nếu loại trừ việc thoái vốn của Ngân hàng Sumitomo khỏi Ngân hàng Eximbank thì con số mua ròng trong tháng 01/2023 là khoảng hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên theo hãng tin Bloomberg mới đây, VPBank có thể bán 15% cổ phần Sumitomo Mitsui vào cuối tháng Ba với giá trị thương vụ ước tính khoảng 1,4 tỷ USD. Đây cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường nói chung.
Thạch Thảo (t/h)