Ghi nhận của Phóng viên Thương hiệu & Công luận ngày 19/1/2023 (tức 28 Tết), tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội như BRGMart/ Haprofood BRGMart, Lan Chi, Winmart, Big C,… hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15% - 30% so với năm trước. Các siêu thị luôn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay từ đầu vào, nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Tại các siêu thị, nhu cầu mua sắm của người dân có thời điểm tăng đột biến, có thời điểm tăng 3-4 lần so với bình thường. Người tiêu dùng chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng như rau xanh, thịt cá, hải sản. Bên cạnh đó, các mặt hàng đặc trưng ngày Tết như bánh kẹo, đồ uống, giò chả… cũng đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Để nguồn cung không bị “đứt gãy” Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo,), rượu bia – NGK…. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn,… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.
Như tại hệ thống Bán lẻ BRGMart/ Haprofood BRGMart đã tăng cường nguồn hàng từ 40% - 50% so với lượng bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đảm bảo nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường. Hệ thống siêu thị BRGMart cũng tăng tốc mở rộng quy mô, liên tục khai trương những siêu thị lớn tại trung tâm thành phố Hà Nội và các thị trấn vùng ven, đem hàng hoá đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ngoài các mặt hàng trong diện bình ổn giá, thị trường quà tết năm nay cũng rất đa dạng từ mẫu mã, cho đến giá thành sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG: “Rượu bia, bánh kẹo, các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày được chuẩn bị rất đầy đủ khoảng 2 tháng trước. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng năm nay từ 40-50% so với các năm”.
Tại hệ thống siêu thị Lan Chi Mart, để cung úng hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, siêu thị đã lên phương án dự phòng hàng hóa gấp đôi so với các tháng trước đó để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm và sản phẩm chủ lực như bánh kẹo, nước ngọt, dầu ăn, đường, sữa, thịt, rau, củ, quả… Bên cạnh đó, để kích thích sức mua cùng với việc sắp xếp, bố trí lại không gian trưng bày tạo sự bắt mắt, siêu thị đã phối hợp với các nhà sản xuất triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại lớn.
Theo ghi nhận, sức mua tại siêu thị LanChi Mart Thường Tín (TP Hà Nội) tăng từ 1,5-2 lần so với ngày thường. Sức mua tăng mạnh ở các nhóm hàng như bánh mứt, kẹo, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, nước mắm, dầu ăn...
Hệ thống siêu thị LanChi Mart đang triển khai chương trình giá sốc dịp Tết nguyên đán 2023, giảm giá từ 20% - 30% các mặt hàng thiết yếu, có những mặt hàng bán bằng giá gốc. Chạy chương trình bán giá ưu đãi, chiết khấu lớn đối với các cơ quan, DN, tổ chức mua giỏ quà, hàng Tết với số lượng lớn. Ngoài ra, siêu thị còn đẩy mạnh kênh bán hàng online, miễn phí gia hàng trong bán kính 5km với hóa đơn từ 300 nghìn đồng trở lên... để kích thích sức mua.
Cũng như siêu thị LanChi Mart, tại hệ thống WinMart/WinMart+, để có đủ hàng hóa phục vụ người dân, hệ thống này đã đàm phán với các nhà cung cấp lớn, dự trữ hàng hóa Tết tăng từ 20% - 30%, đảm bảo đáp ứng đa dạng hàng hóa với giá ổn định xuyên suốt trước, trong và sau Tết. Theo chia sẻ của Giám đốc chuỗi WinMart - Nguyễn Trọng Tuấn thì, hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng cho giai đoạn cao điểm và đã chuẩn bị các chương trình khuyến mại với giá hấp dẫn. WinMart/WinMart+ kỳ vọng doanh thu cũng như lượt khách tăng trưởng hơn so với thời gian trước đây.
Để người dân thuận tiện mua sắm, tránh ùn ứ các siêu thị như: BRGMart/ Haprofood BRGMart, Lan Chi, Winmart, Big C,… đã đồng loạt thay đổi thời gian phục vụ, mở cửa sớm hơn, đóng cửa muộn hơn. Đặc biệt, nhiều siêu thị như: AEON Việt Nam còn thông báo mở cửa xuyên Tết Nguyên đán để đáp ứng sức mua tăng.
Bán hàng đa kênh cũng phát huy hiệu quả trong dịp này. Ngoài phục vụ mua sắm Tết, các siêu thị nói trên còn sử dụng kênh bán hàng trực tuyến để cung cấp dịch vụ giao giỏ quà tết miễn phí. Sức mua trên nền tảng trực tuyến đã tăng trưởng trên 30%, đáp ứng sức mua và nhu cầu vận chuyển hàng hoá, các siêu thị cũng tích cực tuyển thêm nhân lực.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, kế hoạch phục vụ Tết đưa 12 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng cao vào danh mục bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu của người dân với tổng trị giá khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. “Lượng hàng hóa của các đơn vị phân phối khá dồi dào, đầy đủ. Đối với công tác bảo đảm chất lượng hàng hóa, TP Hà Nội sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội, tất cả nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho người dân”, bà Trần Thị Phương Lan đánh giá.
Bà Lan khẳng định: “Vấn đề chất lượng hàng hóa luôn phải đặt lên hàng đầu. Hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội hay hàng hóa nhập khẩu đều phải qua các khâu kiểm soát chặt chẽ”.
Nhằm chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại trong nước có kế hoạch dự trữ để bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân với giá hợp lý, chất lượng.
Nhìn chung, năm nay giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường có xu hướng tăng. Nguồn cung cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và liên tục, không có tình trạng ép giá, tăng giá đột biến, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Minh An