THCL Sau hơn 10 ngày thực hiện Công văn 13884/QLD- MP ngày 28/7/2015 của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về việc đình chỉ và thu hồi 2.019 sản phẩm mỹ phẩm có chứa 5 dẫn xuất paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben), nhiều doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc.

Người tiêu dùng cần tạo thói quen xem kỹ thành phần trước khi chọn mua hàng

Không thấy hàng trong diện bị thu hồi bày bán

Paraben là chất sử dụng phổ biến trong các dòng chăm sóc da và nhiều sản phẩm dành cho trẻ em như sữa tắm, khăn giấy ướt, dầu gội, kem dưỡng da...

Trước nghi ngờ các chất paraben có trong mỹ phẩm là tác nhân gây ung thư nên ngày 18/9/2014, Ủy ban mỹ phẩm Cộng đồng châu Âu đã đưa 5 dẫn chất paraben vào danh mục các chất không được dùng trong mỹ phẩm. Sau đó, Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã cập nhật quy định mới về các chất nêu trên, đồng thời khuyến cáo ngừng sử dụng các dẫn chất nguy hiểm. Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN nên Cục Quản lý dược cũng đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng 5 dẫn chất paraben và thực hiện theo lộ trình nhất định.

Những ngày đầu tháng 8, khảo sát tại đại lý mỹ phẩm lớn ở Hà Nội như Cẩm Tú, hay tại hệ thống siêu thị Fivimart cho thấy, sản phẩm nằm trong danh sách bị thu hồi vì có chứa chất paraben không còn được bày bán.

Theo nhân viên quầy mỹ phẩm siêu thị Fivimart, các dòng mỹ phẩm trước khi đưa vào quầy tại hệ thống siêu thị Fivimart đã được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, sau ngày 31/7/2015, các sản phẩm này càng được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Tại hệ thống Co.opmart, ngay sau khi nhận được thông tin, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp, các nhãn hàng để có phương án, lộ trình thực hiện. Đến 17 giờ ngày 30/7, Co.opmart nhận được hầu hết kết quả kiểm định cập nhật của các nhãn hàng đáp ứng tốt quy định mới. Co.opmart bảo đảm, từ ngày 31/7, tất cả sản phẩm hóa mỹ phẩm chăm sóc kinh doanh trong hệ thống siêu thị này đều được thực hiện đúng quy định.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Đến thời điểm này, có thể khẳng định không ít doanh nghiệp đã tích cực thu hồi cũng như ngưng sản xuất các mặt hàng có sử dụng 5 dẫn chất paraben, đồng thời tìm các chất dẫn khác thay thế. Thế nhưng nhiều người tiêu dùng khi được hỏi lại rất thờ ơ với những thông tin này.

Ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - cho biết, Cục đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện; tiến hành thu hồi tất cả các số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa 5 chất dẫn paraben, báo cáo kết quả về Cục Quản lý dược trước ngày 15/8/2015; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa paraben và báo cáo kết quả về Cục Quản lý dược trước ngày 20/8/2015.

Cục Quản lý dược đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Công an, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)… tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Tuy nhiên, việc loại bỏ các loại mỹ phẩm nói trên ra khỏi thị trường không phải doanh nghiệp nào cũng chấp hành tốt, nếu công tác hậu kiểm không được tiến hành chặt chẽ. Vì thế, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần tạo thói quen xem kỹ thành phần mỹ phẩm trước khi chọn mua hàng. Mỗi người dân phải là một người tiêu dùng thông thái.

Trong số 2.091 loại mỹ phẩm nhập khẩu bị thu hồi có nhiều sản phẩm nhập khẩu mang nhãn hiệu nổi tiếng như: Shiseido, Dior, Tenamyd, L'oreal, Essence, Lancôme... Ngoài ra, còn có 142 sản phẩm được sản xuất ở trong nước như kem nghệ Thorakao, lăn khử mùi Kevin, nước hoa hồng Fendy...

Theo Báo Công Thương