Dầu tăng do lạc quan về hiệp ước sản lượng của OPEC+
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên đêm qua do dấu hiệu nhu cầu đang phục hồi trong khi các thành viên OPEC+ tuân thủ theo thỏa thuận giảm sản lượng lấn át nỗi lo lắng rằng làn sóng nhiễm virus corona mới có thể làm chậm kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên 15/6, dầu thô WTI tăng 86 US cent hay 2,4% lên 37,12 USD/thùng. Dầu thô Brent tăng 99 US cent hay 2,6% lên 39,72 USD/thùng. Giá dầu phục hồi đảo chiều giảm trước đó sau khi Bộ trưởng Năng lượng UAE bày tỏ sự tin tưởng rằng các nước OPEC+ tuân thủ kém với hiệp ước sản lượng đã đồng ý đáp ứng cam kết của họ và báo cáo dấu hiệu nhu cầu dầu phục hồi.
Hội đồng giám sát của OPEC sẽ nhóm họp trong ngày 18/6 để bàn luận về việc cắt giảm sản lượng và xem các quốc gia đã phân bổ phần sản lượng giảm của mình không.
Iraq đã đồng ý với các công ty dầu chủ chốt của họ cắt giảm thêm sản lượng dầu trong tháng 6. Saudi Arabia cũng giảm khối lượng dầu thô xuất trong tháng 7 họ sẽ cung cấp cho ít nhất 5 khách hàng Châu Á.
Cũng hỗ trợ giá là tin tức, tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 8,2% so với một năm trước do các nhà máy độc lập tăng cường xử lý để đáp ứng sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu sau khi việc phong tỏa nới lỏng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu từ 7 khu vực đá phiến lớn của Mỹ dự kiến giảm trong tháng 7 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018.
Tuy nhiên, tâm lý nặng nề trên thị trường với hơn 25.000 ca nhiễm mới được công bố riêng trong ngày thứ bảy tại Mỹ, nơi hơn 2 triệu người đã bị nhiễm, chiếm khoảng 1/4 số ca nhiễm trên toàn thế giới.
Số liệu kinh tế từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang vật lộn để trở lại đúng hướng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 5/2020 tăng 4,4% so với một năm trước, thấp hơn dự kiến.
Vàng giảm
Giá vàng giảm do đồng USD gần mức cao nhất trong hơn một tuần, nhưng kim loại này vẫn đứng ở hơn 1.700 USD/ounce bởi lo lắng về làn sóng nhiễm virus corona thứ hai.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.726,61 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 8đóng cửa giảm 0,6% xuống 1.727,20 USD/ounce.
Fed đã duy trì lãi suất qua đêm trong mục tiêu từ 0 tới 0,25% trong tuần trước. So với rổ tiền tệ, USD giảm nhưng vẫn gần mức cao nhất trong hơn một tuần đã đạt được trong phiên trước đó.
Nhà phân tích của ngân hàng Saxo cho biết vàng cũng phải đối mặt với áp lực giảm phát trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật có ngưỡng kháng cự quanh 1.740 USD, nhưng lo sợ về virus đã gây áp lực lên Phố Wall, giữ giá vàng trên mức tâm lý quan trọng 1.700 USD/ounce, các nhà phân tích nói rằng xu hướng vàng trong dài hạn vẫn tích cực.
Đồng giảm
Giá đồng giảm trong phiên với những lo ngại về làn sóng nhiễm virus corona thứ hai và không chắc chắn liệu nhu cầu sẽ phục hồi nhanh chóng hay ở trong tình trạng này kéo dài hơn.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,3% lên 5.709 USD/tấn.
Các gói kích thích của ngân hàng trung ương đã kích hoạt việc mua vào trong tuần trước, khiến giá đồng tăng lên 5.928 USD/tấn, tăng 35% kể từ giữa tháng 3/2020 và cao nhất kể từ cuối tháng 1/2020.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc là một chỉ số lớn của nhu cầu kim loại công nghiệp, do quốc gia này chiếm một nửa tiêu thụ toàn cầu. Các nhà máy của Trung Quốc tăng cường sản xuất tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5/2020, mặc dù mức tăng yếu hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi vẫn mong manh.
Các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất, cung cấp một số kích thích chưa từng có để giúp làm dịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu và giữ các thị trường hoạt động.
Cao su giảm giá
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm 3% trong phiên qua do số ca nhiễm virus corona tại Mỹ tăng vọt và sự bùng phát tại Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về nhu cầu hàng hóa như cao su.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 4,7 JPY hay 3% xuống 154,3 JPY, mức thấp nhất kể từ ngày 5/6.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,7% xuống 10.210 CNY/tấn.
Theo Trí thức Trẻ