Những năm gần đây, sự ra đời của các sàn thương mại điện tử đã không còn quá xa lạ. Kèm theo đó là sự phát triển của mạng xã hội ngày càng nhiều như Facebook, Zalo, một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương... đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới - mua bán online. Thật vậy, mua bán online là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác, cũng như hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho NTD.
Sàn thương mại điện tử đang ngày càng phát triển
Bộ Công Thương cho hay, năm 2018 chứng kiến sự phát triển mạnh của thị trường thương mại điện tử. Theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 24%.
Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến là 33,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến bình quân là 186 USD/người và tỷ trọng doanh thu thương mại điện B2C (doanh nghiệp với khách hàng) so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước là 3,6%.
Hết năm 2018, tổng doanh thu kinh doanh thương mại điện tử đạt hơn 8 tỷ USD, tăng gấp đôi 3 năm trước.
Các công ty thương mại điện tử lớn trên thị trường gồm ba thương hiệu nổi bật trong năm là Lazada, Tiki và Shopee...
Ngoài ra phải kể tới các thương hiệu khác như: Thế giới Di động, Sen Đỏ, FPT Shop, Điện máy Xanh, Aday roi…
Báo cáo mới nhất của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ sử dụng Internet hiện lên đến 85% dân số Việt Nam, vượt qua mức trung bình của khu vực. Bình quân mỗi ngày người tiêu dùng dành gần 7 tiếng cho hoạt động trực tuyến, thuộc nhóm cao trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh của người tiêu dùng khu vực thành thị lên hơn 90% và con số này ở khu vự nông thông cũng hơn 50%. Đây là cơ sở cho tăng trưởng thương mại điện tử tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua, như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… là những lý do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại thị trường Việt Nam.
Trang Nguyễn