THCL - Quy luật của kinh tế thị trường là phát triển dựa trên sự cạnh tranh giữa các DN. Nhưng nhiều năm qua, thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh, nghi vấn các “ông lớn” chèn ép các DN nhỏ, thông qua việc gây hoang mang dư luận, định hướng các luồng thông tin được NTD tiếp nhận...
Từ câu chuyện nước mắm…
Xuất phát từ nỗi lo ngại vệ sinh an toàn thực phẩm, việc nhiều mẫu nước mắm xuất hiện hợp chất asen đã thổi bùng lên làn sóng phản đối. Rất nhiều người tiêu dùng đã sẵn sàng cho một cuộc tẩy chay ở mức độ lớn và bên chịu thiệt chính là các nhà sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền.
Rất may mắn, sự vào cuộc kịp thời của các chuyên gia cũng như những cơ quan chức năng đã dập tắt các luồng thông tin không chính xác.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Vinatas là một trong những cái tên bị chỉ trích nhiều nhất khi sự việc được đưa ra ánh sáng. Những kết luận mang tính “lập lờ đánh lận con đen” của tổ chức này, đã gây hiểu lầm cho công chúng và suýt nữa đẩy nước mắm truyền thống tới bờ khủng hoảng.
Bất ngờ hơn, đằng sau những mẫu xét nghiệm tưởng chừng khách quan này còn xuất hiện đơn vị tài trợ, một cái tên nổi tiếng trong giới truyền thông: T&A Ogilvy. Tuy nhiên, sẽ thật khó tin nếu như công ty này đơn phương thực hiện một chiến dịch không mang lại nhiều lợi ích cho họ.
2016 đánh dấu một năm đầy biến động trong ngành công nghiệp sản xuất nước mắm
Khi sự việc xảy ra, nhiều nghi ngờ, đã đổ dồn về phía Tập đoàn Masan, chủ sở hữu của thương hiệu nước mắm Nam Ngư. Ngay khi các thông tin về nước mắm truyền thống chứa asen xuất hiện, công ty này đã đưa ra một loạt chiến dịch quảng cáo mới khẳng định thành phần “sạch” của các sản phẩm tới từ Masan. Sự “nhanh nhạy” bất ngờ này đã dấy lên những nghi vấn từ phía người tiêu dùng: Phải chăng, đây là một "vở kịch lớn" đã được sắp xếp từ đầu?
Cách đây vài năm, dư luận xôn xao về việc hàng loạt thương hiệu nước tương xuất hiện trong danh sách chứa 3 MCPD vượt ngưỡng cho phép gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng do đánh mất niềm tin của khách hàng.
Cũng chính vào thời điểm này, sản phẩm nước tương Chinsu của Tập đoàn Masan xuất hiện và tuyên bố hoàn toàn không chứa 3 MCPD. Sau chiến dịch này, từ vị thế tân binh, Chinsu đã nhanh chóng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường trong một thời gian dài.
Chinsu đã dần chiếm lĩnh thị trường sau những lo ngại về nồng độ 3 MCPD trong nhiều sản phẩm nước tương
Hai sự việc xảy ra liên quan đến Tập đoàn Masan - đã tạo nên nhiều quan ngại xung quanh việc các thông tin bị điều khiển bởi các tập đoàn có thế lực và tài chính vững mạnh nhằm thao túng thị trường.
Tới người khổng lồ Unilever...
Không nổi bật như những sự việc liên quan đến nước tương và nước mắm, tuy nhiên những cáo buộc xung quanh việc các sản phẩm Dầu gội dược liệu Thái Dương có chứa Ketoconazole lại gây chú ý bởi bên tố cáo chính là Unilever – một trong những tập đoàn quốc tế lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tập đoàn này cũng cho rằng, sản phẩm của công ty CP Sao Thái Dương không đảm bảo yếu tố “dược liệu” như trong tên gọi.
Dầu gội Thái Dương được chứng minh hoàn toàn an toàn với da đầu
Sau những cáo buộc này, cơ quan y tế tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng vào cuộc và có các kết luận “giải oan” cho sản phẩm dầu gội dược liệu Thái Dương. Theo đó, hợp chất Ketoconazole có trong sản phẩm của Sao Thái Dương được chứng minh hoàn toàn an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, các thành phần chính của sản phẩm này đảm bảo yếu tố thiên nhiên như tên gọi.
Có thể nói, đây là lần hiếm hoi một doanh nghiệp ở thế yếu như Sao Thái Dương đấu tranh thành công để đảm bảo hình ảnh sản phẩm và thương hiệu. Đáng chú ý hơn, động cơ tố cáo từ phía Unilever cũng đã bị dư luận đặt dấu hỏi.
Ngay khi vụ kiện còn chưa hết gây tranh cãi, Unilever đã công bố ra mắt sản phẩm Clear Thảo dược mới. Những diễn biến đó, càng làm tăng thêm nghi ngờ về việc tập đoàn này đã có những bước để “dẫn dắt thị trường”, thông qua những tin đồn thất thiệt về phía đối thủ trực tiếp là Công ty CP Sao Thái Dương.
Người tiêu dùng cần biết chọn lọc thông tin để đưa ra các lựa chọn chính xác nhất
Việc cạnh tranh - vốn dĩ là điều hết sức bình thường và tạo ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, việc gây lợi dựa trên sự thiếu thông tin của khách hàng lại gây ra nhiều tác động tiêu cực tới xã hội, khiến người tiêu dùng hoang mang và mất niềm tin vào thị trường.
Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần thắt chặt bộ phận quản lý thông tin nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể mở rộng và phát triển!
Thế Long