Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông - Hình 1

Chủ tịch Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, nguyên quán tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2012.

Quá trình học tập:

Năm 1979, ông thi đỗ vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, khóa 14. Sau 1 năm học tại Đại học Kỹ thuật Quân sự đạt kết quả xuất sắc, ông được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học kỹ sư quân sự tại Liên Xô.

Từ năm 1980 đến năm 1986: Trường Đại học Thông tin Quân sự Ulianop - Chuyên ngành: Kỹ sư vô tuyến điện - Liên Xô.

Từ năm 1993 đến năm 1995: Trường Đại học Tổng hợp Sydney - Chương trình đào tạo sau đại học: Thạc sĩ Viễn thông - Úc.

Từ năm 1995 đến năm 1998: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Chương trình đào tạo sau đại học: Thạc sĩ Kinh tế - Việt Nam.

Quá trình công tác:

Ông Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người lãnh đạo có đóng góp rất to lớn đến quá trình phát triển của Viettel trong nhiều năm qua cả trong công tác điều hành, xây dựng, triển khai các chiến lược lớn, đưa Viettel trở thành một tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao nhất trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ông được giới truyền thông nhận định là "linh hồn Viettel - người đưa di động, internet trở thành dịch vụ bình dân". Ông đã được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 - 2009).

Năm 1995 - 2000, ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng Phòng Đầu tư Phát triển.

Năm 2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội.

Năm 2010, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Viettel.

Năm 2014, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Viettel thay ông Hoàng Anh Xuân.

Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII.

Tháng 4/2016, Quân ủy Trung ương đã tổ chức công bố quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 23 người. Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - trở thành tổng giám đốc doanh nghiệp đầu tiên được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.

Ngày 14/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Giám đốc Viettel, giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel.

Từ xuất phát điểm tổng tài sản của Viettel chỉ có 34 tỉ đồng, đến nay, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam. Hiện Viettel đã đầu tư ở 10 nước thuộc 3 châu lục. Tại các quốc gia như Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Mục tiêu của Viettel sẽ đạt quy mô thị trường 1 tỉ dân vào năm 2020. Theo khảo sát và các báo cáo của nhà phân tích GSMA Intelligence, Viettel xếp thứ 19 trên tổng số 813 nhà mạng trên thế giới.

Tháng 1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty mẹ - Tập đoàn Viettel. Theo đó, Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương.

Tập đoàn Viettel là nhóm công ty gồm công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết, không có tư cách pháp nhân, phối hợp vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Vốn điều lệ của Viettel tại thời điểm thay đổi điều lệ, tổ chức hoạt động (ngày 5/1/2018) là 121.520 tỉ đồng; vốn điều lệ của Viettel giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2020 là 300.000 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 23/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký Quyết định số 1261/QĐ-CTN về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Trương Minh Tuấn.

Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Trương Minh Tuấn, do vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã có thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16/7/2018. hủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ông Trương Minh Tuấn và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Liên quan đến thương vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua cổ phần Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Bộ Chính trị kết luận những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng nên quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn. Trước đó, ngày 12/7/2018, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem xét đề nghị của UBKTTW tại Tờ trình số 122-TTr/UBKTTW, ngày 6/7/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 - 2016 và ông Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông - Hình 2

Ông Trương Minh Tuấn

Bộ Chính trị nhận thấy Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT đã vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hoá của MobiFone, đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ TT-TT, gây bức xúc trong xã hội; để một số đồng chí lãnh đạo bộ vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc làm việc và chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 - 2016 bằng hình thức cảnh cáo. Ông Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Ông Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ TT-TT phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.

Với cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định: Thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.

Bảo Ngọc T/h