(TH&CL) Lợi dụng nhu cầu ham mua đồ rẻ của một số người mà thịt lợn bẩn càng có dịp “tung hoành” tại các chợ tạm ở đất Hà thành. Mặc dù những miếng thịt đó đã ngả màu tím ngắt, thậm chí có mùi hôi nhưng  vẫn bán chạy…

Thịt bẩn được thương lái chở từ các chợ đầu mối về chợ cóc tiêu thụ

Chợ… thịt bẩn

Hàng ngày, cứ vào khoảng 12h trưa, các xe chở thịt lợn từ các chợ đầu mối lại nối đuôi nhau chạy trên QL32, về bày bán trước cổng chào KCN Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội). Thịt được đựng trong những chiếc sọt bằng sắt đã gỉ, che bởi những mảnh bao xi măng  mốc xanh, mốc đỏ. Bao xi măng lại được trải bệt xuống nền đất, xung quanh là những bãi rác tự phát của người dân. Bên trên là những miếng thịt đã chuyển màu và có mùi rất khó chịu. Chưa hết, thịt còn hứng bụi bẩn mỗi khi có ô tô chạy qua hay những cơn gió thổi ào.

Trong vai một chủ quán ăn muốn mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi vào hỏi mua thì được người bán chào đón niềm nở và không quên giới thiệu sản phẩm: “Anh mua thịt của em là chuẩn nhất rồi, thịt của em giết từ sáng nên vẫn còn tươi chứ thịt các hàng khác họ giết từ ngày hôm trước”. Vừa nói chị Lan vừa giơ miếng thịt cho chúng tôi xem. Tuy nhiên, khi chúng tôi cầm vào miếng thịt, lập tức thấy nước từ trong chảy ra. Thắc mắc thì chị Lan giải thích “do vô ý làm rơi xuống đất nên vừa mới cho vào chậu để rửa”. Chúng tôi biết đây là những mánh khóe của người bán hàng là tiêm nước vào miếng thịt để tăng trọng lượng và làm cho miếng thịt được nhìn bắt mắt hơn.

Lấy lý do thịt ở đây không ngon, chúng tôi sang một hàng khác. Người đàn ông hơn 30 tuổi tên là Quỳnh, quê Ninh Bình, giới thiệu: “Anh mua hàng em một lần này, nếu ngon thì lần sau đến chúng em sẽ bớt giá. Anh yên tâm về chất lượng, em bán ở đây lâu rồi nên cũng có uy tín. Thịt của em từ chợ Dịch Vọng đưa về đây bán đấy”.

Tôi gặng hỏi, Quỳnh thật thà: “Thịt lợn em lấy từ các lò mổ, sau đó mang về chợ Dịch Vọng bán. Hôm nào bị ế chưa bán hết, em mang đến đây bán cho công nhân, các quán ăn gần đây”. Điều đáng nói, không chỉ riêng có Quỳnh mà hầu hết những người bán hàng ở đây chủ yếu đều mang thịt ế bán không hết ở các chợ đầu mối, chợ lớn về đây bán giá rẻ cho người dân.

Không chỉ có chợ tạm trước cổng KCN Di Trạch, các loại thịt bẩn chuyên bày bán tại các chợ cóc ở ngã ba Ba La (Hà Đông), chợ Cổ Điển (Đông Anh), do ế ẩm cũng được các chủ hàng mang về đây... Nhìn những miếng thịt đã tím tái, ruồi muỗi bu bám khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Thế nhưng, chốc chốc lại có người dừng xe hỏi mua hàng và khoảng gần tối thì tất cả các hàng đều đã vãn.

Dân ngù ngờ!

Dù biết đó là thịt ế, thậm chí biết nó đã ôi thiu, song nhiều người vẫn nhắm mắt làm ngơ - mua với giá rẻ. Khách hàng chủ yếu là công nhân, các chủ quán ăn.

Thấy chúng tôi, một chị chủ đon đả: “Thịt của chị giá rẻ lắm, mua nhiều em còn được giảm nữa. Buổi sáng chị bán 100 nghìn đồng/kg, nhưng bây giờ trưa rồi chị bán nốt cho em với giá 50.000/kg”. Người mua còn lưỡng lự, chị này nói tiếp: “Em đi cả chợ không có ai bán rẻ như chỗ chị, chỉ vì nhà có công việc nên chị muốn bán hết cho em chứ bình thường thì không có giá này đâu”.  Lấy lý do mua thêm một vài thứ khác rồi lát sau quay lại, chúng tôi lên xe hướng về khu vực chợ Cổ Điển bên Đông Anh.

Tạt vào một hàng thịt, chị chủ mời mọc: “Em mua loại thịt nào chị cũng có hết, giá cả khỏi lo mà thịt của chị là tươi ngon nhất chợ này”. Thoạt nhìn, chúng tôi thấy miếng thịt vẫn còn tươi và có màu đỏ sắc, nhưng khi đưa lên ngửi thì thấy có mùi hôi nồng nặc. Thấy thế, chị chủ nói: “Không sao đâu. Em không mua nhanh, chỉ lát nữa thôi là hết đấy. Nếu mua nhiều thì chị giảm giá. Cho chị số điện thoại, chị sẽ mang hàng đến tận nơi”. Theo như tìm hiểu ở các chợ đầu mối, riêng thịt ba chỉ đã có giá 90.000/kg, thịt chân giò 100.000 đồng/kg, còn các loại thịt khác rẻ hơn một chút. Thế nhưng, khi về các chợ tạm, thịt có giá rẻ bất ngờ, giảm tới một nửa!

Một bà chủ quán nước bật mí với tôi: “Ối dào, thịt màu đỏ tươi đã bị ôi, được các chủ hàng bôi tiết vào đấy, ai không biết thì dễ bị lừa”.

Theo quan sát, không chỉ có thịt lợn được bán với giá rẻ, mà ngay như thịt gà cũng được bày bán la liệt với giá rẻ bất ngờ. Buổi sáng, họ bán với giá 120.000 đồng/kg tại các chợ, trưa về đây, có giá 60.000 đồng/kg! Những miếng thịt gà được làm khá sạch sẽ, nhưng không còn căng mịn mà nhăn nheo, bốc mùi. Vậy nhưng, người mua hàng cứ ra vào nườm nượp. Chị Thoa, một công nhân làm tại KCN Bắc Thăng Long cho biết, vì đồng lương eo hẹp buộc chị phải tìm đến những nơi bán thực phẩm giá rẻ. Chị buồn rầu: “Cũng biết là thịt đã quá hạn nên em mang về, cho vào nước sôi luộc qua vài lần, sau đó mới chế biến”.

Luân quê Thanh Hóa, làm công nhân ở KCN Bắc Thăng Long được 3 năm, anh cho biết: “Chỉ vì ham đồ rẻ nên có lần em mua 2 cân thịt về nấu đông ăn dần. Cũng đã ngâm vào nước gạo và rửa sạch rồi, nhưng khi đun lên, thịt vẫn có mùi khó chịu. Vứt bỏ thì tiếc nên em vẫn để ăn. Sau khi ăn chừng 30 phút, bụng em đau dữ dội, buồn nôn và đi ngoài. Nằm 1 ngày, uống thuốc không thấy đỡ, các bạn cùng phòng đưa em đi viện truyền nước. Từ đó, em không dám ăn các loại thực phẩm như thế nữa”…

Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường, chỉ được bày bán trong  vòng 8 tiếng. Đối với trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 5 độ C thì chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ, kể từ khi giết mổ…

Như Loan